Mới đây, khi chia sẻ với Góc nhìn thẳng, Báo VietnamNet, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho hay, việc hoạt động báo chí đang bị lợi dụng, gây phiền hà cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp là vấn đề rất đáng quan tâm, đặc biệt những vụ việc như vậy có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua.
Đơn cử, tình trạng "suy đoán có tội" phát triển trong báo chí hiện nay gây thiệt hại rất lớn đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, làm giảm lòng tin của công chúng, của chính quyền các cấp vào báo chí.
Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương, đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm sơ hở, hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp, của địa phương để gây áp lực với động cơ không lành mạnh.
Cơ quan ANĐT Công an TP.Cần Thơ đã chuyển hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan tới Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập đến công an Q.Ninh Kiều để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền. |
Thậm chí, có tình trạng phóng viên kết thành những "liên minh báo chí", tổ chức theo nhóm, lấy danh nghĩa đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, theo kiểu ép kí hợp đồng quảng cáo, hợp đồng truyền thông và gỡ, sửa bài sau khi đăng một cách tùy tiện, vụ lợi. Cá biệt, một số phóng viên, nhà báo đã vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, Nguyễn Văn Hiếu phân tích, thứ nhất, bản thân phóng viên khi đi tác nghiệp không thực hiện đúng quy định pháp luật trong quá trình tác nghiệp.
Thứ hai, trong quá trình tác nghiệp đôi khi không thực hiện đúng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Bản thân cơ quan báo chí có sự buông lỏng, dễ dãi trong việc cấp giấy giới thiệu, cử phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp không đúng tôn chỉ mục đích, chuyên ngành của mình.
Thứ ba, cơ quan chủ quản không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí, phóng viên trong quá trình tác nghiệp cũng như quá trình đăng tải nội dung thông tin, đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích, theo trách nhiệm của mình, theo Luật Báo chí.
Và, một điểm rất quan trọng nữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, đối với quyền của mình đôi khi không nhận thức đầy đủ và thực hiện một cách rõ ràng, dẫn đến tình trạng có sự nể nang, cho rằng báo chí là một quyền lực rất lớn.
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí
Cách đây một vài năm khá phổ biến tình trạng nhiều cơ quan báo chí đã cung cấp cho phóng viên những giấy giới thiệu có nội dung chung chung, thời hạn khá dài. Từ đây, phóng viên có quyền rất lớn để nhũng nhiễu cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Sau đó, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã biết việc này và vào cuối năm 2018 đã có văn bản hướng dẫn cho các sở, các cơ quan báo chí khi cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, những phóng viên chưa có thẻ nhà báo để tác nghiệp. Trong đó, yêu cầu rất rõ giấy giới thiệu phải ghi rõ làm việc với cơ quan, tổ chức nào, trong thời gian nào, về nội dung gì. Việc cấp phải do lãnh đạo cơ quan báo chí cấp.
Việc cấp giấy giới thiệu không chính tắc thể hiện ở một số điểm như không do lãnh đạo cơ quan báo chí cấp, nội dung chung chung, không chỉ rõ cơ quan tổ chức, hoặc về việc gì. Những giấy giới thiệu như thế không đảm bảo yêu cầu tác nghiệp báo chí. Với giấy giới thiệu này, cơ quan, tổ chức có quyền cân nhắc cung cấp hay từ chối cung cấp thông tin.
Trong dự thảo nghị định 159 sửa đổi đã trình lên Chính phủ, đã xin ý kiến thành viên Chính phủ, đang hoàn chỉnh để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới, có hành vi bị xử lý vi phạm, đó là việc người đứng đầu cơ quan báo chí hoặc người được giao quyền cử phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp không đúng tôn chỉ, mục đích cũng là một hành vi bị xử lý vi phạm hành chính.
Đa dạng hình thức thông tin
Để hạn chế tối đa tình trạng "hổ báo cáo chồn" trong hoạt động báo chí thì yếu tố công khai, minh bạch là điều cần được tính đến đầu tiên.
Lãnh đạo Bộ TT&TT mới đây đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan báo chí. Trong văn bản này có nội dung, các tổ chức có liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét, cân nhắc việc cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích.
Điều này hoàn toàn phù hợp với luật phòng chống tham nhũng trước đây và luật phòng chống tham nhũng 2018. Điều 75 quy định rất rõ nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực, chấp hành các quy định pháp luật về báo chí, quy định đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về phòng chống tham nhũng. Hoàn toàn không có yếu tố cản trở ở đây.
Luật Báo chí quy định rất rõ quyền, nghĩa vụ các bên. Trong đó, có quyền, nghĩa vụ của nhà báo cũng như quyền, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Trong văn bản 2595 của Bộ Thông tin &Truyền thông đã nói rất rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí, và chúng tôi đã đăng tải toàn bộ trong Cổng thông tin của Bộ. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp xúc, nhận được đề nghị của các phóng viên, nhà báo, có quyền cân nhắc hoạt động của cơ quan, lĩnh vực của mình để cân nhắc việc cung cấp thông tin đó.
Về giải pháp, liên quan đến các thông tin về công khai, minh bạch đã được hoàn thiện dần theo Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thanh tra và pháp luật các chuyên ngành khác.
“Tôi đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin cần công khai, minh bạch, có thể dùng các hình thức thông tin khác như cổng thông tin của mình, đăng tải, công khai theo các hình thức pháp luật quy định, để cơ quan, báo chí người dân cũng tham gia giám sát. Đây sẽ là thông tin chính thống mà cơ quan báo chí có thể khai thác, giảm bớt việc phải đến trực tiếp trao đổi với cơ quan, tổ chức, đỡ mất thời gian và gặp phải các vấn đề khác”, ông Hiếu góp bàn.
Hồng Thúy