Nhiều giải pháp mở thêm kênh tiêu thụ trong nước

Bắt đầu từ 15/7, những trái nhãn Hưng Yên đầu tiên sẽ được chính thức bán trên sàn thương mại điện tử. Đưa nông sản lên sàn là cách giúp cho hàng Việt tới tay người tiêu dùng nhanh nhất trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Để giúp nông dân Hưng Yên tiêu thụ vải theo một hình thức hoàn toàn mới trên môi trường số, ngay từ tháng 6/2021, Bưu điện Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương, Văn phòng điều phối mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Bộ NN-PTNT) tổ chức tập huấn cho các hộ trồng nhãn cách bán hàng trên thương mại điện tử.

Hiện, đội ngũ nhân viên Bưu điện đã tiếp cận và phát triển được gần 400 nhà cung cấp là những hộ gia đình, hợp tác xã trồng nhãn tham gia bán hàng trên sàn Postmart. Không chỉ có trái nhãn tươi, mỗi nhà cung ấp còn có nhiều mặt hàng đưa lên sàn như: long nhãn, mật ong hoa nhãn, giấm nhãn, các chế phẩm khác từ nhãn.

Không chỉ Postmart của Bưu Điện Việt Nam mà nhiều sàn khác cũng tham gia chương trình đưa nhãn Hưng Yên lên nền tảng thương mại điện tử. Sendo, Shopee, Voso; ký kết hợp tác tiêu thụ nhãn và nông sản giữa 4 doanh nghiệp phân phối gồm Vincommerce, Fusa, Kim Hưng và 6 doanh nghiệp, HTX nhà vườn Tân Hưng, Tiên Châu Phố Hiến, Nhãn Miền Thiết, Quyết Thắng, Quảng Châu, Hưng Thịnh.

{keywords}
Mở đường cho nhãn Hưng Yên sớm đến tay khách hàng (Ảnh:Bảo An)

Năm 2021, tình hình thời tiết không thật sự thuận lợi, đại dịch Covid -19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng, trong đó nhóm nông sản chủ lực của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ.

Năm nay, tổng diện tích trồng nhãn của toàn tỉnh lên đến 4.800ha, sản lượng ước đạt từ 50.000 - 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%. Diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt 40.000-45.000 tấn...

Theo đó, một số giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của tỉnh được đề ra trong năm 2021 như: Củng cố, phát triển thị trường trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19; Mở rộng thị trường xuất khẩu; Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm; Nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Xây dựng chuỗi phân phối

Khẳng định giao thương trực tuyến, thương mại điện tử là kênh tiêu thụ quan trọng trong bối cảnh Covid-19, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, việc đưa nhãn lên sàn thương mại điện tử không chỉ nhằm tiêu thụ đặc sản mang tính mùa vụ, mà kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới để người nông dân nói chung và người trồng nhãn Hưng Yên nói riêng có thêm kênh phân phối nông sản bền vững, góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, sản lượng thu hoạch nhãn của Hưng Yên năm nay dự kiến đạt khoảng 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 đến 20%, trong đó hơn 60% được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP. “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đây là một tin vui với bà con nông dân tỉnh Hưng Yên, song cũng đặt ra thách thức cho việc đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các nền tảng số để tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên khắp các thị trường quốc tế.

Trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ với căn cứ là nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản theo nhu cầu của thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng rằng, những chuỗi cung ứng hiện tại sẽ được mở rộng và củng cố, đồng thời sẽ có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành góp phần đưa nông sản của nước ta đi được xa hơn và bền vững hơn.

Duy Linh