Đi đầu là cơ giới hóa để giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất lao động. Đây cũng là giải pháp thiết thực để tiến tới nền sản xuất lúa hàng hóa.

{keywords}
Tánh Linh lđang quy hoạch 3.000 ha đất trồng lúa chất lượng cao.

Cụ thể, mới đây Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổng kết mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Mô hình này được thực hiện tại xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh, với quy mô 72 ha/65 hộ tham gia. Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, hỗ trợ 1 máy cấy và 10 bình phun thuốc, phân bón bằng động cơ. Xây dựng mô hình liên kết các nhóm hộ nông dân (trong mô hình cánh đồng lớn) thành các tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thông qua sự thống nhất của hộ tham gia mô hình, địa phương chọn giống OM 4900 sản xuất 40 ha, ML202 sản xuất 32 ha, đây là những giống phù hợp với điều kiện sản xuất và tiêu thụ của vùng. Ruộng trong mô hình cấy mật độ thưa nên số chồi và số bông/m2, tuy ít so với ruộng ngoài mô hình nhưng cho bông lúa dài và số hạt chắc nhiều hơn, sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ lép ít nên cho năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình. Mô hình liên kết đã giúp nông dân chủ động ký kết được hợp đồng tiêu thụ lúa với Doanh nghiệp Tiêu Văn Tiến ở thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh.

Đặc biệt, việc sản xuất đồng bộ, liên kết tập trung, đã giúp doanh nghiệp hợp đồng cùng sản xuất, đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng được vùng lúa hàng hóa có chất lượng, năng suất cao hơn năng suất lúa đại trà 0,8 tấn, tăng 14,8% và giá lúa bán được cao hơn  200 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 6,7 triệu đồng/ha.

Thu Hằng
Ảnh: Văn Hùng