Phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) từ lâu đã đối mặt với nhiều thách thức trong việc hòa nhập cộng đồng, đặc biệt ở các vùng miền núi nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế. Tuy nhiên, sự ra đời và phát triển của mô hình “Thu hút phụ nữ DTTS tham gia sinh hoạt hội” đã mở ra những cơ hội mới, nâng cao nhận thức và đời sống tinh thần của chị em phụ nữ ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Tại các địa bàn miền núi, nơi đồng bào DTTS sinh sống, phụ nữ thường bị thiệt thòi trong việc tiếp cận giáo dục, thông tin và các cơ hội phát triển. Việc tham gia vào các tổ chức xã hội như hội phụ nữ cũng gặp nhiều rào cản do yếu tố địa lý, phong tục tập quán, và nhận thức. Mô hình “Thu hút phụ nữ DTTS tham gia sinh hoạt hội” đã được triển khai nhằm giải quyết những khó khăn này. Mục tiêu của mô hình không chỉ tập trung vào việc thu hút hội viên mà còn nâng cao nhận thức về quyền lợi, vai trò của phụ nữ, đồng thời tạo sân chơi văn hóa, giáo dục bổ ích giúp chị em phát triển toàn diện.

hội phụ nữ
Lễ ra mắt  mô hình “Thu hút phụ nữ DTTS tham gia sinh hoạt hội” tại thôn Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô.

Một ví dụ điển hình cho sự thành công của mô hình này là tại xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Giữa năm 2024, thôn Xóm Mới đã ra mắt mô hình “Thu hút phụ nữ DTTS tham gia sinh hoạt hội”, vận động được hơn 90% phụ nữ DTTS trong thôn tham gia. Theo bà Nguyễn Minh Khai, Chủ tịch Hội LHPN xã Quang Yên, mô hình không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc Cao Lan tiếp cận thông tin, rèn luyện kỹ năng mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng.

Các buổi sinh hoạt hội tại đây luôn được thiết kế linh hoạt, hấp dẫn, kết hợp giữa tuyên truyền kiến thức với các chương trình văn nghệ, dân vũ và trò chơi dân gian. Chị Hầu Thị Văn, một hội viên tích cực, chia sẻ: “Tham gia mô hình này, tôi không chỉ học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích mà còn cảm thấy rất vui khi được giao lưu, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.”

Những buổi sinh hoạt như nhảy sạp, hát trình ca hay múa dân gian đã trở thành cầu nối gắn kết phụ nữ trong cộng đồng, giúp chị em mạnh dạn hơn trong việc tham gia các hoạt động xã hội và phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, thông qua các chuyến giao lưu với phụ nữ ở các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Tuyên Quang, chị em phụ nữ dân tộc Cao Lan đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, góp phần nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Sự thành công của mô hình tại xã Quang Yên là minh chứng rõ nét cho việc đặt phụ nữ làm trung tâm trong các chương trình phát triển cộng đồng. Việc hiểu rõ nhu cầu và khó khăn của phụ nữ DTTS giúp các cấp hội thiết kế những hoạt động phù hợp, từ hỗ trợ kinh tế đến sinh hoạt văn hóa, qua đó nâng cao đời sống tinh thần và ý thức tự chủ của chị em.

Mô hình được triển khai dưới nhiều hình thức linh hoạt và phù hợp với đặc thù từng địa phương. Có thể kể đến, Tại xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, mô hình “Nữ thanh niên, đoàn viên tham gia sinh hoạt hội” đã thu hút sự quan tâm của nhiều chị em trẻ. Tương tự, ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, mô hình “Tập hợp thu hút hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt hội” cũng đã đạt được những thành quả tích cực.

Những kết quả tích cực đạt được của mô hình thu hút phụ nữ DTTS tham gia sinh hoạt hội tại xã Quang Yên, huyện Sông Lô hay nhiều địa phương khác chính là tiền đề quan trọng để nhân rộng mô hình này đến các địa phương khác trên cả nước. Khi phụ nữ DTTS được nâng cao nhận thức, cung cấp thêm thông tin,  họ không chỉ tự tin hơn trong cuộc sống mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Đây là một bước tiến ý nghĩa trong hành trình xây dựng một xã hội bình đẳng, phát triển bền vững.