Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ thủy sản Châu Thành (ở khóm Phú Mỹ Hiệp, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Hợp tác xã được thành lập từ tháng 6/2015, gồm 16 thành viên chính thức, vốn góp điều lệ 800 triệu đồng, với 30ha mặt nước nuôi cá tra. 

Đây là mô hình điển hình trong số các hợp tác xã có doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp.

anh bai 37.jpg
Hợp tác xã Dịch vụ thủy sản Châu Thành là mô hình điển hình trong số các hợp tác xã có doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: B.M

Phương thức hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ thủy sản Châu Thành là “3 bên hợp tác trên tinh thần cùng có lợi”. Trong đó, doanh nghiệp cung cấp đầu (thức ăn), cam kết chất lượng thức ăn và hỗ trợ tìm đầu ra cho hợp tác xã. Phía doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có tiềm lực về vốn, có thị trường, nhưng thiếu nguồn cá nguyên liệu chất lượng cao, muốn liên kết với Hợp tác xã để có thị trường ổn định. Thành viên Hợp tác xã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nuôi cá. 

“Điểm đặc biệt của Hợp tác xã Dịch vụ thủy sản Châu Thành là Hợp tác xã bảo lãnh nợ tiền tỷ mua thức ăn từ doanh nghiệp cho các thành viên. Doanh nghiệp bán thức ăn vừa hỗ trợ kỹ thuật, vừa hỗ trợ tìm đối tác để mua cá và bảo lãnh thanh toán nếu không thu được tiền”, ông Bình nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, Hợp tác xã đã nỗ lực chứng minh tính minh bạch về tài chính, thuyết phục được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cỏ May Lai Vung liên kết theo chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ cá tra. 

Phương thức liên kết nuôi cá theo chuỗi được các bên thống nhất như sau: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cỏ May Lai Vung cung cấp đủ 100% lượng thức ăn nuôi cá cho thành viên đến khi bán cá mới thu tiền. Giá thức ăn được tính bằng giá cho đại lý cấp 1 và cộng thêm chiết khấu 6% trên tổng giá trị mua. Thành viên nào có tiền mặt trả ngay thì giá thức ăn được giảm thêm 500 đồng/kg trên đơn hàng. Mức chiết khấu này có lợi hơn tiền trả lãi ngân hàng, khuyến khích thành viên thanh toán sớm cho có vốn tái đầu tư. 

Đồng thời, Công ty sẽ chiết khấu thêm cho Hợp tác xã 1% trên tổng hóa đơn đầu vào để Hợp tác xã có kinh phí hoạt động.

Nhờ phương thức hợp tác trên, thành viên của Hợp tác xã giảm áp lực lo vốn đầu tư mua thức ăn (chiếm 60-65% giá thành sản xuất), giảm chi phí ở khâu thức ăn từ 1.500 - 2.000 đồng/kg cá so với các hộ nuôi bên ngoài không có liên kết.

Đến vụ thu hoạch cá tra, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cỏ May Lai Vung mua khoảng 50 - 60% sản lượng cá theo giá thị trường, và phần còn lại công ty tìm các doanh nghiệp, thương lái đến mua hết sản phẩm cho các thành viên Hợp tác xã.

Khi cần thiết, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cỏ May Lai Vung sẽ đứng ra bảo lãnh thanh toán nếu doanh nghiệp mua cá không thanh toán tiền cho Hợp tác xã sau 7 - 15 ngày. 

Chính vì vậy, các thành viên trong Hợp tác xã rất yên tâm ở đầu vào và đầu ra, chỉ tập trung nuôi cá miễn sao cá đạt chất lượng.

Theo nghiên cứu của Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, bình quân mỗi năm, Hợp tác xã Dịch vụ Thủy sản Châu Thành đứng ra bảo lãnh cho các thành viên từ 6.000 – 7.000 tấn thức ăn, trung bình giá 1kg thức ăn cá tra hiện nay là 14.000 đồng thì mỗi năm Hợp tác xã thu được khoảng 980 triệu đồng (khoản chiết khấu 1%). 

Số tiền này, Hợp tác xã dùng để nộp thuế theo quy định, trích lập quỹ tái đầu tư sản xuất, quỹ dự phòng rủi ro tài chính và trích lập quỹ phúc lợi cho thành viên 10 triệu đồng/người/năm (Hợp tác xã thường dùng số tiền này để tổ chức các chuyến đi học tập mô hình nuôi cá hay ở các địa phương khác), và phần còn lại trích quỹ phát triển của Hợp tác xã.

Đặc biệt, Hợp tác xã Dịch vụ thủy sản Châu Thành đã huy động vốn trong thành viên và nguồn Quỹ Hợp tác xã 2 - 3 tỷ đồng hỗ trợ các thành viên khi cần để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn của các thành viên, giảm rủi ro và chi phí khi điều chỉnh dòng tiền đầu tư ngắn hạn (thường dưới 10 ngày).

“Phương thức liên kết phù hợp của Hợp tác xã đã giúp các thành viên giảm được rủi ro, ổn định sản xuất ngay cả những thời điểm ngành cá tra gặp khó khăn. Các thành viên được “lợi ích kép khi tham gia chuỗi” gồm được chiết khấu 6% doanh nghiệp bán đầu vào cho Hợp tác xã, cuối năm lại được chia quỹ phúc lợi và lãi góp vốn cổ phần, giúp bà con yên tâm sản xuất”, Giám đốc Nguyễn Thanh Bình nhận định.

Bình Minh