Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng thành lập từ năm 2007, với sứ mệnh xóa bỏ tư duy, tập quán canh tác cũ ở xã Giục Tượng (huyện Châu Thành), vốn là cộng đồng sinh sống của nhiều hộ dân đồng bào Khmer từ bao đời nay.

Những ngày đầu thành lập, Hợp tác xã chỉ có 29 thành viên với vốn điều lệ 50 triệu đồng và 60ha đất nông nghiệp tại cánh đồng Tam Giác. 

Sau nhiều trăn trở, nỗ lực, quyết tâm, hiện tại, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hưng của Giám đốc Lê Minh Hải đã phát triển, tăng quy mô lên 325 hộ dân tham gia, tổng diện tích 512 ha, vốn điều lệ 1,1 tỷ đồng và hơn 6 tỷ đồng tài sản cố định đồng. 

Hoạt động tổ chức sản xuất của Hợp tác xã đã thành nề nếp, chỉ tính riêng với chi phí đầu vào, thành viên Hợp tác xã có thể tiết kiệm được từ 2,5 - 3 triệu đồng so với canh tác tự do.  

Thành viên Hợp tác xã được chia lãi hàng năm từ 65% trở lên theo mức độ sử dụng dịch vụ và vốn góp. Nhờ tư duy thay đổi, 95% đồng bào Khmer trong Hợp tác xã đã thoát nghèo, hơn 50% là hộ khá, giàu. 

anh bai 21.jpeg
Nhờ tư duy thay đổi, 95% đồng bào Khmer tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hưng đã thoát nghèo. Ảnh: B.M

Với 512 ha diện tích trồng lúa, Hợp tác xã tổ chức khá đa dạng dịch vụ: bơm tát, làm đất, thu hoạch, cho thuê chăn thả vịt, bán rơm, tiêu thụ lúa phục vụ thành viên. 

Để tổ chức dịch vụ làm đất, thu hoạch, Hợp tác xã đã họp thành viên và mời các chủ máy tham gia để đấu thầu cung cấp dịch vụ. Hợp tác xã đưa ra giá khởi điểm; sau đó chủ máy nào đưa ra mức giá thấp nhất và đáp ứng được lịch làm đất, thu hoạch của Hợp tác xã thì sẽ trúng thầu. Sau đó, Hợp tác xã sẽ hướng dẫn và giám sát hoạt động của chủ máy giúp cho thành viên.

Nhờ cách làm này, chi phí làm đất của các thành viên rẻ hơn khoảng 300.000 đồng/ha, chi phí giống và thu hoạch lúa giảm được hơn trước 500.000 đồng/ha.

Đối với dịch vụ tiêu thụ lúa cho thành viên, để đấu giá thu mua lúa, trước thời điểm thu hoạch 15 ngày, Hợp tác xã thông báo cho các doanh nghiệp, thương lái đến đấu giá lúa. Hợp tác xã đưa ra mức giá lúa khởi điểm cho 1 kg. Mức giá khởi điểm đưa ra phải từ bằng cho đến cao hơn giá thị trường. Trong số các thương lái, doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đơn vị đưa ra mức giá cao nhất và đáp ứng được số lượng, thời điểm thu hoạch của Hợp tác xã thì  sẽ trúng thầu. Sau đó, Hợp tác xã sẽ hướng dẫn và giám sát quá trình mua lúa của thành viên. 

“Trong vụ Đông Xuân 2019-2020, đã có 11 doanh nghiệp đến từ các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, thành phố Cần Thơ tham gia đấu giá mua lúa. Doanh nghiệp trúng thầu trả giá thu mua lúa cao hơn cùng thời điểm 150 đồng/kg lúa tươi”, đại diện Hợp tác xã nêu một minh chứng cụ thể.

Việc thực hiện đấu giá, bán trực tiếp cho doanh nghiệp đã giúp giảm khâu trung gian. Tính ra, mỗi cuộc đấu giá và ký hợp đồng bán lúa tươi cho doanh nghiệp ngay trên đồng ruộng với mức giá cao nhất đã giúp bà con giảm chi phí bảo quản sau thu hoạch và tăng thu nhập gần 2 triệu đồng/ha. Đồng thời, Hợp tác xã cũng thu được xấp xỉ 20.000 đồng/tấn phí dịch vụ thu gom lúa từ các thành viên do doanh nghiệp chi trả. 

Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hưng còn tổ chức đấu giá bán gốc rạ (khoảng 50.000 đồng/công đất) cho những người nuôi vịt chạy đồng (30.000 đồng/công đất). 

Nhờ vậy, dù chỉ có hai vụ nhưng làm ruộng với Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hưng, bà con luôn đảm bảo mức lời từ 60 - 70 triệu đồng/ha. 

Mô hình cung cấp dịch vụ đấu giá của Tân Hưng là mô hình mẫu ở miền Tây Nam Bộ. Theo lãnh đạo của Hợp tác xã, bí quyết thành công chỉ đơn giản là “chịu khó tìm tòi để mở những dịch vụ người dân cần. Cứ cái gì có lợi cho dân thì làm, có như thế bà con mới tin tưởng mà tham gia”.

Bình Minh