Kiến nghị lưu thông gạo

Trước tình hình giá lúa tại khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang giảm mạnh, đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc thu hoạch, lưu thông cũng như xuất khẩu gạo gặp khó khăn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu.

Theo ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, 95% lúa gạo của Hội đi bằng đường thủy. “Chúng tôi đề nghị lương thực cũng như vải của Bắc Giang, cứ chở lương thực thì cho đi chứ không thể nào đưa ra một loạt yêu cầu khiến doanh nghiệp không đi được. Vì các ghe không chịu đi, bởi phản ánh đang đi đường gặp khó khi giấy hết hạn. Và bây giờ chỉ cần có dịch Covid-19 là khóa toàn bộ. Vận chuyển hàng hóa cũng như mở giao thông thì phải có tai nạn, chúng ta phải khắc phục nhưng chúng ta vẫn phải mở cửa” – ông Nam nêu ý kiến.

Cũng theo ông Nam, hiện nay, tồn kho của doanh nghiệp hiện đang quá lớn. hiện nay, về phía Hội, còn tồn 100 nghìn tấn, không thể mua thêm nữa, Nếu muốn  mua thì phải cho hàng lưu thông, hàng được xuất đi thì khi đó mới mua vào tiếp được. Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng, hệ thống logistics là “bác sỹ” của nền kinh tế, nếu không thông suốt được thì rất nguy hiểm.

Theo báo cáo của Tổ công tác 970 phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng ĐBSCL đã thu hoạch 702 nghìn ha lúa Hè Thu, sản lượng hơn 4 triệu tấn, thấp hơn cùng kỳ 793 nghìn tấn.

Trong tháng 8 vùng ĐBSCL ước thu hoạch 680 nghìn ha với sản lượng hơn 3.800 tấn. Ước tính đến khi kết thúc vụ mùa (15/9) sẽ thu hoạch khoảng 651 nghìn tấn nữa.

{keywords}
Đề nghị tạo thuận lợi cho ''luồng xanh'' vận tải đường thủy nội địa

Tuy nhiên, hiện sản lượng tiêu thụ lúa gạo đang sụt giảm do những khó khăn từ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Sản lượng thu mua sụt giảm 20-30%. Nguyên nhân là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lúa gạo không đủ khả năng thực hiện "3 tại chỗ", một phần do doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới.

Thực tế, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lúa hàng hóa: Từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng đường bộ hay đường thủy.

Tổ công tác 970 phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, hiện nay giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Các khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được.

Khó khăn hiện nay là nông dân không bán được sản phẩm, nhà máy không mua được hàng, nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, xà lan giao lên cảng. Bên cạnh đó, hàng hóa tại kho không được khử trùng, giám định kịp thời theo quy định. Hàng giao ra cảng thiếu hoặc không có bốc xếp giao lên tàu biển.

Mở luồng xanh đường thuỷ

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể gửi công văn hỏa tốc tới các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tại công Văn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu: Việt Nam là đất nước có điều kiện địa hình rất phù hợp cho phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đối với các tỉnh phía Bắc, phía Nam; đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch tự nhiên rất thuận lợi, gắn liền với hoạt động dân sinh.

Bên cạnh đó, vận tải ĐTNĐ còn có ưu điểm vượt trội so với các loại hình vận tải khác về: giá cước vận tải thấp, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng. Đồng thời, trong việc ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở nước ta hiện nay, vận tải hàng hóa đường thủy càng thể hiện được ưu điểm do ít tiếp xúc với cộng đồng dân cư.

Bộ GTVT luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng ĐTNĐ. Vì vậy, toàn bộ hệ thống ĐTNĐ được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa.

Để đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản trên các tuyến ĐTNĐ bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định. Bộ GTVT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên ĐTNĐ nhằm tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho nhân dân. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm (nếu có).

Tại công văn, Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản trên các tuyến kênh, mương nội đồng để kết nối đến các tuyến ĐTNĐ và các cảng, bến.

Đối với các doanh nghiệp, người tham gia vận tải hàng hóa, Bộ GTVT đề nghị thực hiện nghiêm hướng dẫn, quy định của  Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên hệ thống ĐTNĐ hiệu quả; phải có phương án tổ chức lao động, sinh hoạt phù hợp để đảm bảo thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”; chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện vận chuyển đúng mục đích, loại hàng hoá và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

“Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân kịp thời phản ánh về Bộ GTVT, các Bộ ngành liên quan để được xem xét, giải quyết kịp thời”, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bảo Anh