Thực hiện Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), Bộ Công an đã chỉ đạo mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn quốc.
Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện cao điểm. Tham mưu, xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện cao điểm với những nội dung, biện pháp cụ thể.
Tham mưu, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội như: Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7; lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người; xuất nhập cảnh trái phép với việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19… Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh - truyền hình; hệ thống đài truyền thanh cơ sở, các trang mạng xã hội.
Một đối tượng mua bán trẻ em bị bắt giữ. |
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ. Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng tình hình tội phạm mua bán người; thực hiện quản lý đối tượng có nguy cơ phạm tội, nắm tình hình số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày ở địa phương không rõ lý do, nghi bị mua bán. Tăng cường tuần tra kiểm soát biên giới, vùng biển, hải đảo, tập trung vào các địa bàn trọng điểm.
Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành quy định về quản lý nhà nước trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người và các hành vi có liên quan nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, karaoke, massage…
Ký kết, triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng, lao động, thương binh và xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Lực lượng công an đã phát hiện, điều tra, khám phá 35 chuyên án, vụ án/47 đối tượng, tăng 21% số vụ so với năm 2020. Tỷ lệ điều tra khám phá đạt trên 88%; tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ 29 nạn nhân. Điều tra khám phá kịp thời các đường dây tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Nhiều đơn vị, địa phương đã thực hiện hiệu quả đợt cao điểm như: Cục Cảnh sát hình sự, Phú Thọ, Nam Định, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Qua công tác đấu tranh cho thấy, do tác động của dịch bệnh và việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tội phạm mua bán người chuyển hướng hoạt động chủ yếu trong nội địa, liên tuyến, liên tỉnh. Phương thức, thủ đoạn phạm tội chủ yếu là các đối tượng câu kết, hình thành đường dây mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi; lợi dụng mạng xã hội để kết bạn, làm quen, hứa hẹn tìm việc nhẹ, lương cao nhất là giới thiệu “đồng hương” sau đó lừa bán ra nước ngoài hoặc bán sang địa phương khác.
Phát huy những thành tích, kết quả thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công an về phòng, chống mua bán người.
Nhật Hạ