Trong những năm gần đây, các cơ quan tình báo châu Âu đã coi Hồi giáo cực đoan như một mối đe dọa khủng bố hàng đầu của khu vực. Tuy nhiên, sau vụ Anders Behring Breivik ở Na Uy, mối đe dọa từ những kẻ cực đoan cánh hữu đang trở thành vấn đề cấp bách trên toàn châu lục này.

TIN BÀI KHÁC:

Một nhóm đầu trọc ở Tây Ban Nha. (Ảnh: Sancocho.com)
Trong báo cáo đầu tiên công bố hồi mùa xuân năm ngoái, Europol (Văn phòng Cảnh sát châu Âu) xác định mối đe dọa khủng bố lớn nhất trong khu vực là Hồi giáo cực đoan. Mặc dù vậy, cơ quan tình báo tội phạm này cũng nêu ra một số vụ tấn công trong những năm qua do những kẻ hoạt động cực hữu thực hiện. 

Ở Hungary, ba vụ đánh bom đã bị chặn đứng năm 2009, sau vụ sát hại một số người Gypsy năm 2008. Ở Pháp, 6 người bị bắt vì các hoạt động liên quan tới chủ nghĩa cực đoan cánh hữu ở Đức. Cảnh sát cũng can thiệp vào Anh, Cộng hòa Czech và Đức. Ở những nơi khác, cảnh sát phát hiện "nhiều danh sách kẻ thù" cùng thiết bị nổ, tài liệu tuyên truyền và dữ liệu máy tính. 

Báo cáo này còn nhắc đến "các cuộc điều tra của cảnh sát Anh, nhấn mạnh thực tế rằng ngày nay, những cá nhân bị thúc đẩy bởi các quan điểm cực hữu và hành động một mình là một mối đe dọa lớn hơn nhiều so với các tổ chức và mạng lưới hiện thời thuộc nhóm ảnh hưởng này".

Nhóm ảnh hưởng đó có thể tiếp cận Internet cùng các mạng xã hội và "ngày càng chuyên nghiệp hơn", theo Michel Quillé, Phó giám đốc Europol. 

"Con sói cô đơn"

Vì vậy, trong khi châu Âu không chú ý đến đe dọa khủng bố cực hữu bằng mối nguy từ al-Qaeda, mọi người lại khá quen thuộc với hình ảnh của Anders Behring Breivik. 

Tên khủng bố 32 tuổi người Na Uy này đã tham gia một đảng cực hữu nhưng sau đó lại rời bỏ vì đảng này không đủ cấp tiến đối với hắn. Tuy nhiên, hắn vẫn liên lạc với các mạng lưới xã hội cực hữu. 

Đối với một số nhà phân tích, Anders Behring Breivik là một "con sói cô độc", một kẻ theo đuổi chiến lược "kháng chiến vô lãnh đạo", khái niệm được tạo ra bởi phong trào Cực hữu Mỹ hồi những năm 1970.

Các mục tiêu ý thức hệ dần thay đổi theo thời gian và rẽ sang một hướng mới tiếp sau sự nổi lên của al-Qaeda. Danh sách kẻ thù bao gồm người nước ngoài, người Do Thái, Hồi giáo và những người thuộc nhóm "đặc quyền đa văn hóa".

Để đạt được mục tiêu của mình, những kẻ bảo vệ chủng tộc da trắng phải hành động như "những con sói cô độc", Joseph Tommasi, người sáng lập một nhóm Đảng Quốc xã mới ở Mỹ, tuyên bố.

ZOG phải chết!

Thật khó lần ra "sự kháng cự vô lãnh đạo" khi nó bao gồm các cá nhân tự chuẩn bị và tự thực hiện các cuộc tấn công. Thế giới Internet dạy cho họ cách làm một quả bom tự tạo từ phân bón. Các trang mạng xã hội cũng góp phần đắc lực. Theo báo cáo của Europol, "các mạng lưới xã hội cho phép khủng bố thu thập thông tin về người dân và gia đình họ, và biết cách xác định vị trí của họ". 

Maxime Brunerie - người đã cố gắng sát hại Tổng thống Pháp khi trước, ông Jacques Chirac - cũng là một con sói cô độc. Hắn thân thiết với một nhóm cực hữu có tên Unité Radicale. Trước khi tiến hành mưu đồ của mình, hắn để lại một tin nhắn trên Internet: "Hãy xem tivi vào Chủ nhật. Tôi sẽ là một ngôi sao. ZOG phải chết!".

ZOG là từ viết tắt của "Chính phủ Chiếm đóng Phục quốc Do Thái", một thuật ngữ rút ra từ hệ tư tưởng bài Do Thái của Tommasi. 

Một điển hình nữa là David John Copeland, một thành viên đảng Quốc xã mới ở Anh, kẻ mà vào mùa xuân năm 1999 - trong khoảng thời gian 3 tuần - đã đặt nhiều quả bom đinh, mỗi quả gồm 1.500 chiếc đinh, trên khắp London, nhằm vào các điểm có nhiều người da đen, người châu Á và đồng tính luyến ái sinh sống. Loạt vụ tấn công đó cướp sinh mạng của 3 người và làm 129 người bị thương, với bốn trong số họ bị mất tay chân. 

Thanh Hảo (Theo Le Figaro)