Chia sẻ với VietNamNet, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa - cho hay hiện đội ngũ giáo viên (GV) trên địa bàn còn thiếu nhiều và là một trong những địa phương thiếu nghiêm trọng nhất cả nước.

Năm học vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã thiếu 8.968 GV. Trong đó, bậc mầm non thiếu 4.174 người, tiểu học thiếu 3.380 người, THCS thiếu 1.096 người, và THPT thiếu 318 người. Một số môn học hiện nay thiếu giáo viên trầm trọng là Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh.

Đến năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên ở Thanh Hóa còn trầm trọng hơn, lên tới 10.276 GV các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%).

Nguyên nhân khiến số giáo viên của tỉnh giảm dần qua các năm gần đây, theo ông Thức, là bởi chúng ta chỉ thực hiện việc tinh giảm chứ không cho bổ sung thêm biên chế, cùng với đó là một bộ phận giáo viên nghỉ hưu...

“Mỗi năm biên chế tinh giảm 2%. Trong khi đó, việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới lại đòi hỏi thêm người” - ông Thức chỉ nguyên nhân chính của tình trạng thiếu hụt giáo viên.

Ảnh: Thanh Hùng

Bên cạnh đó, ông Thức cũng cho rằng vấn đề thiếu giáo viên đến từ lý do khách quan là ở chương trình phổ thông mới, có nhiều môn học mới yêu cầu dạy học bắt buộc từ lớp 3 như Tin học, Tiếng Anh... nhưng không có nguồn tuyển.

Khó khăn ở nguồn tuyển, theo ông Thức, đến từ việc đào tạo giáo viên tập trung ở 7 trường sư phạm trọng điểm được Bộ GD-ĐT “đặt hàng” xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới và bồi dưỡng giáo viên phổ thông (gồm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm Vinh và ĐH Sư phạm Đà Nẵng). 

“Sau khi tốt nghiệp, người đi học cũng tìm cách ở lại dạy ở những địa phương đó chứ ít muốn về tỉnh, đặc biệt là số sinh viên sư phạm Tin học, ngoại ngữ. Bởi với ngành Tin học, nếu làm ngoài, mỗi tháng dễ kiếm từ 10-15 triệu đồng, nhưng vào trường học lương khởi điểm chỉ được khoảng 3 triệu đồng. Vì vậy rất khó để tuyển GV những môn học này” - ông Thức nói.

“Ngay trên địa bàn tỉnh, những vùng phát triển thì tuyển khá dễ nhưng những vùng càng khó khăn lại càng khó tuyển. Như những huyện Mường Lát, Quan Sơn,... nhìn chung không có GV để mà bổ sung”.

Con số thiếu hụt giáo viên trong năm học 2022-2023 của Phú Thọ là hơn 3.000 ở các cấp học. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ - ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết trong số này có gần 2.000 GV bậc mầm non. Còn lại thiếu chủ yếu là giáo viên Tin học, Tiếng Anh ở cấp tiểu học, giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cấp THPT.

Theo ông Mạnh, giải pháp tạm thời để dạy học cho năm 2022-2023 đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật là sẽ phải huy động giáo viên từ các trường khác.

Còn với các môn học khác buộc phải ký hợp đồng. Nhưng khi thực hiện theo chế độ này, giáo viên chỉ được đảm bảo bằng mức lương tối thiểu vùng, ngoài ra không có thêm nguồn thu nào khác nên rất khó khăn.

Cũng như Thanh Hóa, từ trước đó, Phú Thọ đã công khai tuyển dụng nhưng nguồn tuyển rất khó khăn. 

“Ví dụ, những người học đại học liên quan đến tin học thường ít lựa chọn làm về giáo dục do ngành này khi đi làm ở ngoài sẽ có mức thu nhập cao hơn. Hay đối với các bộ môn năng khiếu, cũng rất khó để thu hút người có năng khiếu đi dạy các môn nghệ thuật” – ông Mạnh chia sẻ.

Giáo viên ngày càng áp lực

Để khắc phục những khó khăn về giáo viên, giải pháp mà Sở GD-ĐT Phú Thọ đưa ra là đào tạo tại chỗ số lượng giáo viên hiện có để phục vụ lâu dài. 

Đối với những giáo viên dôi dư có trình độ trung cấp Tin học được định hướng đi bồi dưỡng để dạy Tin học ở bậc tiểu học.

Ngoài ra, Sở luân chuyển, điều động giáo viên môn đặc thù dạy liên trường, liên cấp để bảo đảm đủ giáo viên ở các môn học. 

“Một số giáo viên có thể dạy hai trường trong cùng cấp hoặc kiêm nhiệm dạy hai cấp là tiểu học, THCS hoặc THCS, THPT. Các trường có thể linh hoạt áp dụng các giải pháp trước mắt này để thực hiện cho năm học tới.

Đối với cấp THPT, Sở cũng đã hướng dẫn các trường rà soát giáo viên, xây dựng phương án để xây dựng tổ hợp, giúp học sinh có thể lựa chọn các môn phù hợp với nguồn giáo viên của mỗi trường. 

Trước mắt, chúng tôi cũng chưa đặt vấn đề tuyển giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật do quá khó khăn về nguồn tuyển. Trường nào có giáo viên thì đăng ký tổ hợp đó thôi vì năm nay cũng là năm đầu tiên xem tình hình như thế nào.

Trong trường hợp chưa có giáo viên, năm nay nhà trường có thể chưa đưa môn học đó vào tổ hợp lựa chọn, chờ đến khi có giáo viên mới bắt đầu giảng dạy” - ông Nguyễn Văn Mạnh nói.

Theo ông Mạnh, khi luân chuyển, điều động dạy liên trường, liên cấp tất nhiên GV có áp lực. 

“Nhưng GV phải thực hiện vì nhiệm vụ chung” – ông Mạnh khẳng định.

Ông Trần Văn Thức nhìn nhận hiện nay và thời gian tới, giáo viên đứng trước nhiều áp lực.

“Lương bổng thì không tăng, dạy thêm không được, Chương trình phổ thông thì mới. Trong khi đó, nếu có sự cố gì thì báo chí và dư luận râm ran. Phải nói rất khó cho giáo viên”.

Do đó, ông Thức cho biết tỉnh Thanh Hóa từng đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT phối hợp với các ngành liên quan giao đủ biên chế cho các trường, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng. Đồng thời, tỉnh này cũng kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét mức giảm biên chế 2% mỗi năm vì không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh, đặc biệt là với ngành giáo dục.