-Giữa những ngày biển Đông dậy sóng, bài “Đóng tàu mẹ để ngư dân vươn ra giữ biển”, được đông đảo bạn đọc hưởng ứng, nhiều bạn đã gửi email đóng góp thêm ý kiến.
TIN BÀI KHÁC
Hàng rào vững chắc bảo vệ biển đảo Việt Nam (ảnh minh họa) |
Ngư dân- Hàng rào vững chắc bảo vệ biển đảo Việt Nam.
Theo phân tích của bạn BuuTran: Nước ta là quốc gia biển. Việc đầu tư cho ngư dân bám biển không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế mà còn là củng cố quốc phòng an ninh, vì vậy nếu chỉ vì rủi ro nhiều mà hạn chế cho ngư dân vay là hạ sách, là yếu kém về tư duy. Đối với đầu tư kinh tế biển cho ngư dân không thể hiểu và đặt vấn đề theo cách chủ thể đơn lẻ được mà phải đặt trong mối quan hệ tổng thể của cả hiệp hội và toàn ngành để đầu tư đúng trọng điểm có mũi nhọn. Và như thế, dù rủi ro có thể đến với một cá thể nhưng với cả ngành, cả hiệp hội thì rủi ro không hề cao. Mặt khác khi đầu tư một cách đồng bộ cả trang thiết bị, kỹ năng khai thác, bảo quản, chế biến và dịch vụ hậu cần hợp lý thì mức đầu tư chung sẽ tiết kiệm, hiệu suất khai thác và hiệu quả đầu tư sẽ rất cao; đó là chưa nói nếu có cơ chế kết hợp giữa đầu tư cho quốc phòng với đầu tư cho ngư dân với chiến lược chiến tranh nhân dân, mỗi ngư dân là một công dân biển một chiến sỹ biên thùy.
Bạn Huỳnh Nở hào hứng: Nghị quyết đã đi đúng lòng dân,hãy biến nó thành hiện thực. Hãy đầu tư mạnh và có nhiều ưu đãi để bảo vệ ngư dân và tăng sức mạnh cho ngư dân.Ngư dân sẽ là hàng rào bảo vệ vững chắc biển đảo Việt Nam.
Email sangsang767@ymail.com đề nghị: Nhà nước cần mạnh dạn đầu tư có chính sách ưu đãi ngư dân ngày đêm bám biển làm kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngư dân có mặt trên ngư trường là chúng ta có thêm một chiến sỹ có thêm một sức mạnh tổng hợp.
Ý kiến của Vũ Song Toàn cũng tương tự: Nhà nước nên quan tâm đầu tư cho ngư dân phát triển kinh tế một cách quy mô lớn và hiện đại. Khi người dân yên tâm phát triển kinh tế thì chính người dân sẽ tự bảo vệ được chủ quyền biển đảo.
Xây dựng “Trung tâm Thương mại Hải sản” giữa biển Đông
Bạn Nguyễn Hữu Thế đề xuất xây dựng “Trung tâm Thương mại Hải sản” giữa biển Đông, làm đầu mối cho nhiều doanh nghiệp, ngư dân Việt Nam khai thác được tối đa nguồn tài nguyên "biển bạc" của nước ta.
Bạn Trí Dũng tán thành đề xuất này: Nhà nước nên đứng ra đóng những con tàu mẹ đủ sức tạo thành 1 chợ nổi giữa biển, luôn neo đậu ở một tọa độ nào đó ngoài biển để các tàu đánh cá xa bờ có thể giao dịch buôn bán và tiếp nhiên liệu hoặc tránh bão v.v…
Đỗ Tâm Anh bổ sung cụ thể: Nếu vậy thì chỉ cần xây chợ ở các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa. Còn khi có bão tàu nào cũng phải vào đất liền neo đậu. Chẳng tàu nào chịu được bão cả. Nếu có tránh né thì hãy về với đảo. Như về với đất mẹ.
Một đề xuất khác, của email napd6783@yahoo.com: Ngân hàng nhà nước đóng tàu cho ngư dân thuê có thời hạn. Hải sản ăn chia theo thỏa thuận. Nhà nước có lỗ một chút cũng là hỗ trợ ngư dân để có ngư nghiệp mạnh, lãnh thổ bền vững. Mua bảo hiếm cho từng con tàu. Công ty bảo hiểm cũng là của nhà nước. Hỗ trợ mọi mặt thì ngư dân khấm khá sẽ mua luôn tàu.
Khanh Le nêu ý kiến: Tôi thiết nghĩ, nhà nước không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà còn hỗ trợ cả về kỹ thuật cho ngư dân đóng những đội tàu đủ lớn, đủ mạnh, có thể lắp được cả máy phun nước để bám biển và giữ vững ngư trường truyền thống đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Khi có những sự khiêu khích của phía Trung Quốc như hiện nay thì những đội tàu này sẽ tham gia cùng lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển.
Về cơ chế hợp tác, Nguyễn Mỹ Lâm đề xuất: Nhà nước đầu tư một số Tàu mẹ để hỗ trợ ngư dân (Tàu con) và Tàu con hàng tháng phải đóng góp một số phí cho Tàu mẹ.
Các bạn Huỳnh Quang, Võ Thương Hận, Trong Bao đề nghị sự hỗ trợ phải thiết thực như: Cho ngư dân vay vốn lãi suất thấp, khoảng 0,5 %/năm để có thể đóng tàu lớn, hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân bám biển dài ngày ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Ban Bạn đọc