Trong khi “nền kinh tế tiền mặt” của chúng ta đang chi phối hầu hết các giao dịch cá nhân, nhà nước khó kiểm soát thì liệu việc phải mở tài khoản để đăng ký ô tô có đi trước một bước không?

{keywords}

Việc hạn chế xe cá nhân khi chưa có hệ thống giao thông công cộng phù hợp để thay thế là rât khó. Ảnh TL SGT

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội mới đây có đề xuất là mỗi công dân chỉ được sở hữu một xe ô tô và một biển số. Việc này được cho là nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và xác định phương tiện chính chủ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, cần làm bài toán chi phí và lợi ích trước khi đưa ra một quyết định quản lý, nhất là nên đoạn tuyệt với tư duy “quản khó thì bó bằng cấm”.

Trước tiên, cần ghi nhận mọi sáng kiến nhằm hướng tới công tác quản lý trật tự xã hội tốt hơn, trong đó có giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Cơ quan quản lý không thể ngồi chờ ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên, mà cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, không chỉ có tuyên truyền, vận động, mà phải có các giải pháp kinh tế và biện pháp quản lý hiệu quả hơn.

Nhưng không thể “khó quản thì cấm”. Thực tế trước đây đã cho thấy quy định “Mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy” theo Thông tư số 02/2003/TT-BCA của Bộ Công an đã không hạn chế được lượng xe hai bánh cứ tăng vùn vụt. Quy định đó còn là nguyên nhân của tình trạng “đứng tên đăng ký giùm” dẫn đến “xe máy không chính chủ” tràn lan.

Chính vì vậy, ngày 21-11-2005, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 17/2005/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điểm bất hợp lý. Theo nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ ngành lúc đó, thì quy định “mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy” thực chất đã hạn chế quyền sở hữu của công dân, chứ không làm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế tai nạn giao thông.

Do đó, tương tự, để hạn chế lượng ô tô cá nhân không thể là việc áp dụng chế độ “một người chỉ được làm chủ một ô tô”. Cần rạch ròi giữa quyền sở hữu tài sản của công dân được hiến định, với quyền, trách nhiệm quản lý và đăng ký phương tiện giao thông. Chúng ta đang phấn đấu cho một xã hội khá giả hơn, dân giàu, nước mạnh, người dân có nhiều tài sản hơn là đáng mừng. Theo qui định tại điều 14, Hiến pháp 2013, thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp thật sự cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Nhưng phải tính đến những tác động tích cực hay tiêu cực về kinh tế và xã hội mỗi khi cơ quan quản lý ra lệnh “cấm, hạn chế quyền” của công dân.

Chưa hết, đề xuất trên còn có quy định người đăng ký ô tô phải có tài khoản ở ngân hàng, phải có số tiền duy trì trong tài khoản... để dễ xử phạt vi phạm giao thông. Đây là ý tưởng không mới, nhiều nước đã áp dụng nhưng liệu có khả thi trong điều kiện Việt Nam hay không, hay cần có lộ trình? Trong khi “nền kinh tế tiền mặt” của chúng ta đang chi phối hầu hết các giao dịch cá nhân, nhà nước khó kiểm soát thì liệu việc phải mở tài khoản để đăng ký ô tô có đi trước một bước không? Vì vậy, cần cân nhắc các điều kiện khả thi.

Ô tô không chỉ là phương tiện cá nhân để đi lại, mà còn là tài sản để kinh doanh với tư cách một thể nhân. Tại sao lại hạn chế quyền sở hữu tài sản là ô tô? Đề xuất nói trên không thể chỉ giúp tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà phải tính đến những thiệt hại về kinh tế và các vấn đề xã hội.

Còn nhớ, dư luận đã từng xôn xao với quy định về tiêu chuẩn “sức khỏe” của người điều khiển xe gắn máy do Bộ Y tế ban hành là không được “thấp bé, nhẹ cân, ngực lép”. Mục đích của quy định là tốt đẹp, hướng tới việc lái xe an toàn, nhưng quy định không có cơ sở khoa học, phi thực tế, không khả thi đã chết yểu trong đời sống thực.

Mong rằng, đề xuất “một chủ, một ô tô”, không phải là một quyết định sai lầm của “một người chỉ đăng ký một xe máy” và cái tiêu chuẩn “sức khỏe” kỳ lạ cho người lái xe trên kia.

Trần Hữu Hiệp/ theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt