Chị Bùi Thị Lê (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mua một con khỉ nhỏ về nuôi làm thú cưng. Khi tắm cho con vật, chị bất ngờ bị khỉ cào xước da. Vì thích thú, người phụ nữ này vẫn cố gắng nuôi con vật. Tuy nhiên, một thời gian sau, chị có biểu hiện bị viêm da. Khi đi khám, bác sĩ nhận định nguyên nhân có thể do vật nuôi trong nhà. Không chỉ khỉ, nhiều người còn đặt mua các loại động vật hoang dã khác được rao bán trên mạng xã hội để làm "thú cưng".
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở trên người có nguồn gốc từ động vật, 70% trong số đó là các bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết động vật hoang dã nói chung đều có thể tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe con người. Đặc biệt, hoạt động nuôi động vật hoang làm thú cưng càng làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Ngoài ra, người nuôi còn có thể bị con vật tấn công.
Theo bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng đại diện của Tổ chức WSC tại Việt Nam, thông qua việc rà soát hơn 100 bài báo, nghiên cứu ở nước ta liên quan đến các mầm bệnh lây truyền giữa người và động vật trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã, có 116 mầm bệnh được phát hiện trên động vật hoang dã trên tổng số 157 mầm bệnh có khả năng lây truyền giữa người và động vật. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn phát hiện 26 virus mới, chưa từng được phát hiện trước đây trên nhiều loài động vật hoang dã khác nhau.
Do đó, khi nuôi động vật hoang dã, đặc biệt khi nuôi làm thú cưng, người nuôi thường có các hành động như tiếp xúc trực tiếp, ôm, bế, hôn... trong các điều kiện không đảm bảo về vệ sinh, điều kiện nuôi nhốt, môi trường sống, phương tiện phòng hộ cá nhân. Lưu ý, cần đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh, tránh trường hợp bị con vật cắn, cào tạo điều kiện sự sinh sôi, phát tán và lây lan tác nhân gây bệnh lây truyền bệnh.
Theo quy định, tùy theo loài động vật hoang dã được nuôi mà người nuôi phải đáp ứng các quy định khác nhau như: Đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của loài nuôi; đảm bảo an toàn cho con người; thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, thú y; lập sổ theo dõi nuôi và báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý nhà nước.