Ngày 7/5, hơn 2 tuần sau ca mổ ghép gan rất đặc biệt lần đầu tiên có ở Việt Nam, chị T.T.H (46 tuổi, ở Hà Nội) không nghĩ rằng mình vẫn còn có thể ngồi dậy trò chuyện, tự ăn uống sinh hoạt với lá gan mới trong cơ thể và chờ ngày ra viện. 

Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết cơ sở đã thực hiện ghép gan cho khoảng 120 trường hợp, 80% trong đó nguồn gan lấy từ người cho chết não. Trường hợp ghép cho chị H. được coi là một trong những ca đặc biệt nhất.

Nữ bệnh nhân bị sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh, từng lên bàn mổ nhiều lần. Khát khao được làm mẹ, chị từng 4 lần chuyển phôi IVF nhưng bất thành, lần cuối cùng vào giữa tháng 4. 

Trên nền một bệnh nhân viêm gan B nhưng không điều trị, thuốc nội tiết ảnh hưởng lớn tới gan của người phụ nữ này. Vài ngày sau lần cuối cùng chuyển phôi IVF, chị H. mệt mỏi, sau khi vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. 

Chỉ vài tiếng sau, bệnh nhân được chẩn đoán suy gan cấp, tình trạng vàng da tăng dần, chức năng gan và tri giác giảm, sốt cao, được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chẩn đoán suy gan cấp - bệnh não gan độ 3, trên nền viêm gan B và có chỉ định phẫu thuật ghép gan toàn bộ. 

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho hay bệnh nhân không chỉ hỏng gan cấp, suy gan tối cấp mà còn hôn mê sâu, suy đa tạng. Mức độ nặng nề và cấp bách của bệnh nhân theo thuật ngữ y học gọi là tình trạng “sét đánh”.

hungvietduc-1.png
Tiến sĩ Dương Đức Hùng chia sẻ về ca bệnh đặc biệt, ngày 7/5. Ảnh: BVCC

“Nếu không ghép gan cấp cứu thì khả năng tử vong của bệnh nhân rất nhanh, sự sống chỉ còn khoảng từ 24 giờ - 48 giờ”, bác sĩ Dương Đức Hùng cho biết.

Với bệnh nhân suy gan tối cấp, ghép gan cấp cứu là con đường cuối cùng tìm kiếm sự sống. “Người chồng sẵn sàng hiến gan cho vợ. Rất tiếc, họ không hòa hợp nhóm máu vì thế không thể ghép được”, PGS.TS Lưu Quang Thùy, Giám đốc Trung tâm Gây mê hồi sức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ.

Lúc này, gia đình một nam bệnh nhân 40 tuổi bị chết não do chấn thương sau tai nạn giao thông đã đồng ý hiến tạng cứu người. Thầy thuốc đã phẫu lấy gan, tim, 2 thận của bệnh nhân để ghép cho người khác; mô, xương, mạch máu được đem vào kho bảo quản. Rất may, nhóm máu của người chết não hòa hợp với chị H.

"Bệnh nhân H. chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng giây phút quyết định sự sống và cái chết, điều may mắn nhất là người hiến tạng và nhận tạng hòa hợp nhóm máu, chúng tôi cảm tưởng họ rất có nhân duyên”, bác sĩ Thùy chia sẻ.

Tuy nhiên, đây cũng là lúc đắn đo nhất đối với hội đồng chuyên môn khoa học của bệnh viện. 

Danh sách chờ ghép gan của bệnh viện luôn có khoảng 30 người, được theo dõi sức khỏe, trong đó có nhiều ca ung thư, cũng chờ từng ngày được ghép. Nhiều ý kiến được đưa ra. Bệnh nhân H. rất mới, chưa từng trong danh sách ghép. Ca bệnh này lại rất nặng, khả năng thành công không cao, trong khi danh sách chờ ghép rất dài. Nếu không thành công, vừa mất đi 1 nguồn tạng quý, các bệnh nhân khác lại mất đi cơ hội sống, tiếp tục phải chờ đợi.

Nhưng Tiến sĩ Thùy lại có niềm tin sâu sắc. Bệnh viện này từng ghép gan cho bệnh nhân hôn mê gan, tổn thương phổi nặng, các thầy thuốc gây mê hồi sức cũng rất có kinh nghiệm, gia đình lại rất quyết tâm.

Quyết định cuối cùng là lựa chọn bệnh nhân H. được nhận gan từ người cho chết não. 17h30 ngày 22/4, công tác gây mê bắt đầu được thực hiện. 9 tiếng sau, 2h30 ngày 23/4, ca phẫu thuật kết thúc.  

ghepgan.jpg
Bác sĩ khám cho bệnh nhân H. sau hơn 2 tuần được ghép gan. Ảnh: BVCC

“Đây là trường hợp ngoạn mục. Lần đầu tiên hệ thống y tế Việt Nam thực hiện ghép gan cho bệnh nhân hôn mê do gan hỏng, suy gan tối cấp”, bác sĩ Hùng tự hào nói, sáng 7/5.

Sau 14 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. “Có thể nói, gan mới đã thay thế được gan hỏng của bệnh nhân. Quyết định táo bạo nhưng có cơ sở khoa học, không duy ý chí của tập thể chuyên gia bệnh viện là hoàn toàn chính xác”, bác sĩ Hùng cho hay.