Nhắc đến danh họa Trần Văn Cẩn người ta không chỉ nhắc đến những tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất đã góp phần đưa nền mỹ thuật Việt Nam vượt bờ cõi mà còn nhắc đến một mối tình muộn hết sức đẹp đẽ, chứa đầy sự bí ẩn diệu kỳ của tình yêu.

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Mặc dù, đã hơn 16 năm ông hóa thân vào cát bụi (ông mất 31/7/1994) nhưng chuyện tình của ông dường như vẫn còn vẹn nguyên và tươi mới trong vô vàn ký ức của những người yêu mến ông. Đặc biệt, người đàn bà đã từng cùng ông làm nên "tình yêu kỳ diệu" ấy bao năm qua vẫn nồng nàn một tình yêu mãnh liệt đối với ông, khiến cho người đời cứ mải miết tìm cách giải mã ẩn số tình yêu của hai người mà vẫn không tài nào giải nổi.

Tôi gặp lại bà Trần Thị Hồng - vợ của danh họa Trần Văn Cẩn vào một buổi chiều muộn, trên con phố Nguyễn Du. Đã bao năm qua, kể từ ngày danh họa Trần Văn Cẩn ra đi, cứ vào mỗi độ cuối chiều, bà lại lặng lẽ một mình dạo gót quanh con phố ngày xưa ông từng dắt bà đi qua. Với bà đó cũng là một cách để bà nguôi ngoai nỗi nhớ về ông.

Bà kể, ngần đấy năm ông xa bà, cứ mỗi độ chiều về nỗi nhớ ông lại dày vò bà đến khắc khoải. Thành thử bà đâm ra sợ buổi chiều. Bà sợ phải một mình đối diện với những kỷ vật tình yêu, đối diện với "bóng dáng" ông phảng phất đâu đấy trong bóng chiều, trong căn nhà nhỏ trên gác ba của Khu tập thể số 10 Nguyễn Thượng Hiền, nơi sinh thời vợ chồng bà gắn bó.  

Đã ở vào tuổi 64, bà Hồng dường như không đổi thay là mấy so với những bức ký họa mà họa sỹ Cẩn vẽ về bà. Vẫn mái tóc ngắn gấp nếp quá vai. Vẫn đôi mắt đượm buồn lúc nào cũng như ngân ngấn lệ. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng pha trộn giữa giọng Bắc với giọng Quảng Ngãi đặc trưng. Và vẫn nghẹn ngào mỗi lần nhắc đến danh họa Trần Văn Cẩn - người thầy, người bạn đời mà bà vô cùng yêu quý.

Danh họa Trần Văn Cẩn bên người vợ ba - bà Trần Thị Hồng

Bà Hồng cho biết, bà vốn mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ nên khi rời quê hương Đức Phổ, Quảng Ngãi tập kết ra Bắc, cha bà đã mang bà theo. Từ bé, bà đã rất có năng khiếu hội họa nhưng gia đình không đồng ý cho bà theo ngành học này. Lần thứ nhất, bà nộp hồ sơ đăng kí dự thi vào lớp sơ trung hệ 7 năm của Trường đại học Mỹ thuật, gia đình không chịu kí đơn. Lần thứ hai, tình yêu nghệ thuật cứ bùng cháy dữ dội trong bà khiến bà đành phải giấu gia đình, làm hồ sơ rồi nhờ một người bác họ kí cho để đi học. Và Hiệu trưởng trường đại học Mỹ thuật Hà Nội thời bấy giờ không ai khác chính là danh họa Trần Văn Cẩn.

"Không biết có phải định mệnh đã sắp đặt cho tôi được gặp và gắn bó với ông (danh họa Trần Văn Cẩn - PV) hay không mà lúc đó tôi cứ quyết tâm thi Mỹ thuật bằng được, mặc cho bố tôi cùng bạn bè khuyên răn đủ đường" - bà Hồng nói.

Danh họa Trần Văn Cẩn không phải là người trực tiếp dạy bà nhưng chính tài năng, đức độ của ông đã khiến bà cảm phục ngay từ khi mới chân ướt chân ráo vào trường. Và sau 7 năm dày công học tập, khi được giao bài tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc, bà đã xin được đến nặn tượng ông. Những ngày tháng này, hằng ngày cứ đúng đầu giờ sáng bà lại có mặt trong phòng họa sỹ, làm những công việc quét dọn, pha trà và đặc biệt là nhặt nhạnh các tác phẩm ông vẽ vương vãi trong phòng làm việc rồi chờ khi ông rỗi lại nhờ ông làm mẫu để bà nặn tượng. Cảm kích trước tình cảm của cô học trò nhỏ, thầy Hiệu trưởng cũng tranh thủ ký họa một số bức tranh về bà.

Sự đồng điệu của hai tâm hồn yêu nghệ thuật, sự chân thành của tình cảm thầy trò như một sợi dây vô hình nhanh chóng buộc chặt bà với ông lại. Mầm yêu cứ nhú dần lên trong trái tim cô học trò nhỏ khi hằng ngày cô chứng kiến cuộc sống đơn độc và đạm bạc của ông. Cô thấy mình cần phải có bổn phận bù đắp và sưởi ấm trái tim cô đơn mà bao nhiêu năm qua ông một mình chịu đựng. Để rồi, khi không thể kìm nén tình cảm đang dâng đầy trong mình, cô học trò 23 tuổi đã không ngần ngại nói lời: "Thầy ơi, em yêu thầy" trước ông thầy Hiệu trưởng hơn mình đến 36 tuổi sau bao đêm trằn trọc nghĩ suy.

Mặc dù hơi bất ngờ trước lời tỏ tình đầy chủ động của cô học trò nhưng ông thầy cũng chỉ dám xem đó là một cách thể hiện tình cảm theo kiểu "mỹ thuật" của cô học trò đối với ông chứ không dám nhận lời, vì khoảng cách tuổi tác giữa hai người quá lớn. Bà đang trong độ tuổi tìm kiếm cuộc đời, còn ông thì đã ở vào độ xế chiều. Làm sao bà có thể chia sẻ được gánh nặng năm tháng ông đang mang. Họa sỹ không muốn bà phải hy sinh tuổi xuân vì mình.

Tuy nhiên, sự chân tình của bà, những việc làm thầm lặng của bà đã cảm mến được ông khiến ông can đảm bước qua dư luận để gắn kết cuộc đời mình với bà.

Bức tranh tình yêu vẽ bằng cuộc sống


Đã là của nhau nhưng bà vẫn không dám dọn về ở cùng ông vì dư luận lúc đó quá gay gắt. Gia đình bà đã hết sức ngăn cản khi biết bà quyết định gắn bó cuộc đời mình với ông thầy 61 tuổi mà bà yêu quý. Thậm chí bố bà đã không thèm nhìn mặt con gái sau bao lần thuyết phục bà từ bỏ ý định nhưng không thành. Còn gia đình ông thì tìm mọi cách chia rẽ bởi người ta không tin có một tình yêu như vậy. Nhiều người nghĩ bà "có ý đồ gì đó rất xấu" đằng sau vỏ bọc tình yêu. Tuy nhiên, sức mạnh tình yêu đã giúp ông bà bước qua mọi dư luận để sống với nhau như một cặp vợ chồng thực sự. Bà sẵn sàng hy sinh tất cả chỉ để được gần ông. Nghĩ lại những năm tháng ấy, bà Hồng ngẹn ngào trong nước mắt: "Lúc tôi chủ động tỏ tình với ông, tôi hiểu vì sao tôi yêu ông nhưng tôi lại không hiểu vì sao tôi lại có thể vượt qua ánh mắt cay nghiệt của người đời nhẫn nhục đến thế?".
Bà Hồng trong căn nhà đầy ắp những kỉ niệm....

Mãi cho đến tận năm 1971, khi không thể chịu nổi cảnh một mình ông lo toan mọi việc trong gia đình, kể cả những công việc của một người phụ nữ như: chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, quét dọn... bà quyết về sống chung với ông. Về sống chung nhưng khi nhập hộ khẩu vào nhà, bà phải mang danh nghĩa là cháu ruột của ông chứ không phải là vợ vì không có hôn thú, không đăng kí kết hôn. Bà chấp nhận mà không một lời oán thán.

Những ngày về sống bên nhau bà hết sức hạnh phúc. Bà đã làm được cái việc mang trái tim xanh trẻ của mình để xua tan đi những u buồn, lạnh lẽo trong cuộc đời họa sỹ. Còn ông, quá nửa đời người mới có một gia đình thực sự, hạnh phúc muộn màng như một nguồn cảm hứng vô tận giúp ông liên tục có nhiều tác phẩm nghệ thuật. Đây chính là giai đoạn họa sỹ Trần Văn Cẩn sáng tạo sung sức nhất.

"Cuộc sống thời đó của chúng tôi đạm bạc lắm, một bữa ăn chỉ có vài cọng rau muống, dăm miếng đậu phụ luộc và một ít lạc rang nhưng lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc vì đi đâu cũng có nhau. Mỗi lần họa sỹ đi công tác xa lại cho tôi đi theo để tìm nguồn cảm hứng sáng tác. Còn những lúc ông cần, tôi lại làm mẫu cho ông vẽ tranh, nặn tượng. Tôi không nhớ trong cuộc đời tôi đã làm mẫu cho ông vẽ tranh bao nhiêu lần nhưng dường như trong hàng trăm bức tranh vẽ hình thiếu nữ bức nào ông vẽ cũng có bóng dáng của tôi trong đó" - bà Hồng chia sẻ.

Bà Hồng kể, họa sỹ Trần Văn Cẩn là một người rất tinh tế. Ông chăm sóc và chiều chuộng bà hết mực. Bà còn nhớ, vào những năm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, vì sợ bà nguy hiểm ông phải đưa bà lên tận chùa Tây Phương sơ tán. Đến khi trở về, không kịp gặp mặt nhau vì ông phải đi công tác nhưng ông chu đáo chuẩn bị tem phiếu để sau cánh cửa nhà và dặn dò đủ điều vào một mảnh giấy đặt bên cạnh. Hoặc những lúc bà sáng tác mà thiếu nguyên liệu, ông lại âm thầm nhờ bạn bè đi công tác ở nước ngoài mua về cho bà vẽ.

Có lẽ bởi vậy mà cho đến tận bây giờ đối với bà, ông vẫn là "một người đàn ông vĩ đại, vĩ đại về tất cả, sẽ không bao giờ có người đàn ông nào thứ hai như ông. Chính vì thế mà tôi thấy kiêu hãnh và tự hào, mặc dù ông không còn bên tôi như ngày nào nữa".

(Theo Gia đình và xã hội)