Nhiều năm về trước, vì tin nghe theo lời những kẻ lừa đào, buôn người, chị Vàng Thị Dợ thường trú tại bản Đin Lanh, xã Chiềng Đông, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã bị lừa và gả bán sang bên kia biên giới để làm vợ. Khi bị chính quyền nước sở tại phát hiện, chị Dợ đã được trao trả về Việt Nam sau 2 năm. Có thể nói, chị Dợ là một trong những trường hợp may mắn hơn với những phụ nữ khác tại Sơn La bị lừa bán qua biên giới được trở về với gia đình, bố mẹ, anh em và bản làng.
Được biết, xã Chiềng Đông có 17 bản với 1.022 hộ và trên 5.600 nhân khẩu. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và tự cung tự cấp. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, nhất là hiểu biết về pháp luật còn kém. Lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của chị em phụ nữ dân tộc, nhẹ dạ cả tin và mong muốn được đổi đời mà rất nhiều phụ nữ tại đây đã bị các đối tượng buôn bán người lừa bán sang Trung Quốc.
Mong muốn đổi đời, nhiều phụ nữ Chiềng Đông bị lừa bán sang xứ người. |
Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông Lầu A Say cho biết: cách đây 2 năm trên địa bàn xã Chiềng Đông, huyện Mường La, tỉnh Sơn La có rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Cũng chỉ vì tin vào những lời dụ dỗ của các đối tượng hứa hẹn sẽ có một cuộc sống an nhàn khi có công việc với mức lương cao không phải làm nương, làm rẫy vất vả như ở quê nhà.
Trước tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn diến ra phức tạp, xâm phạm đến những quyền cơ bản của con người, tác động nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, lực lượng công an tỉnh Sơn La đã tập trung thành lập các tổ công tác phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình địa bàn, di biến động của các đối tượng. Tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để bà con nhân dân nắm được các thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời thông tin cho lực lượng chức năng.
Nhận thức được tính nguy hiểm của loại tội phạm này, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động cùng sự vào cuộc của lực lượng công an và các cấp, các ngành thì mỗi người dân cần tự nâng cao nhận thức, cảnh giác, tỉnh táo trước thủ đoạn mà các đối tượng mua bán người sử dụng.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập qua dạy nghề, cho vay vốn… cho phụ nữ, trẻ em gái là những người có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bọn buôn người ở những vùng khó khăn. Làm cho người dân có đời sống kinh tế ổn định, có công ăn việc làm, có khả năng thu nhập để có thể đảm bảo mức cơ bản nhu cầu cuộc sống thì sẽ không bị dụ dỗ, lừa bán.
Xuân Quý