Trong xã hội tiêu dùng ngày nay, những giá trị truyền thống dường như ngày một phai nhạt khi các trò chơi điện tử chiếm lĩnh cuộc sống con người. Tuy vậy, ở một góc của Thủ đô, các trò chơi dân gian vẫn âm thầm phát triển.
“Mèo đuổi chuột - mời bạn ra đây - tay nắm chặt tay - xếp thành vòng tròn…”, “Một mốt, một mai, con trai, con hến…”, những câu vè quá đỗi quen thuộc của các trò chơi dân gian, khiến bất cứ ai nghe thấy đều như được trở về tuổi thơ của mình.
Tuy nhiên với lớp trẻ hiện nay thì đây là điều mới mẻ. Nắm bắt được tình hình đó, cứ đều đặn chiều Chủ nhật hàng tuần, các thành viên trong câu lạc bộ MyHanoi lại tổ chức các trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy dây, mèo đuổi chuột, kéo co, chơi chuyền… cho mọi người tại một góc nhỏ của vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Giới trẻ hào hứng chơi trò “Ô ăn quan”. |
Bạn Nguyễn Thu Hồng Ngọc, sinh viên năm 3 trường ĐH KHXH và NV, thành viên chính của Ban Phát triển Trò chơi và Đồ chơi dân gian của CLB chia sẻ, mục đích ra đời của các hoạt động này là nhằm hướng đến nét đẹp văn hóa, truyền thống dân gian của Việt Nam, trong đó trò chơi và đồ chơi dân gian là không thể thiếu.
Hồng Ngọc cũng nói thêm: “Mặc dù Ban mới được thành lập và đi vào triển khai chưa lâu, từ đầu tháng 6, nhưng chúng em cũng đã tham gia khá nhiều các chương trình Hội chợ và tổ chức một buổi chuyên biệt vào Chủ nhật hàng tuần”.
Lý giải việc chọn công viên Lý Thái Tổ gần hồ Hoàn Kiếm làm nơi tổ chức các hoạt động dân gian, Ngọc cho biết: “Khu vực này tập trung rất nhiều các em nhỏ vui chơi, kể cả các phụ huynh nên dễ dàng thu hút sự chú ý của mọi người, chưa kể có rất đông du khách nước ngoài cũng hào hứng với các trò chơi dân gian”.
Một số em nhỏ lần đầu được chơi trò chơi này. |
Niềm vui khi giành chiến thắng. |
Được đánh giá là hoạt động có ý nghĩa với cộng đồng, CLB MyHanoi cũng vì thế thu hút khá nhiều các tình nguyện viên và các cộng tác viên là các bạn sinh viên đang học tập tại Hà Nội.
Bạn Thục Anh, sinh viên năm thứ 2 ĐH Luật Hà Nội chia sẻ, bạn đã quyết định đăng ký cộng tác với CLB vì nhận thấy được giá trị và sự bổ ích của các trò chơi này với mọi người. Hơn nữa Thục Anh cũng muốn xua tan suy nghĩ của nhiều người rằng những trò dân gian thì thường khó chơi và nhàm chán. "Thực chất, chúng rất dễ chơi và luôn mang lại cho người chơi những niềm vui nhất định, có ích hơn nhiều so với các trò chơi điện tử hiện nay", Thục Anh nói.
Tổ chức tại nơi công cộng, các trò chơi của CLB MyHanoi không những thu hút sự tham gia của nhiều các bạn nhỏ mà còn có sự góp mặt của đông đảo các phụ huynh, các bạn sinh viên có nhu cầu muốn tìm lại quá khứ của mình thông qua các trò chơi gắn liền với tuổi thơ của mình.
Chị Trâm, một phụ huynh tham gia chơi hào hứng nói: “Lâu lắm rồi chị không được chơi, ngày xưa chị hay chơi lắm, cảm giác như được quay về tuổi thơ vậy. Thấy mọi người chơi đông bản thân mình thấy rất vui. Chị hy vọng các bạn trẻ sẽ luôn duy trì được các hoạt động như thế này để bọn chị có cơ hội về với quá khứ nhiều hơn”.
Không chỉ trẻ em mà cũng rất nhiều người lớn tham gia. |
Cảm giác vui sướng khi được về với tuổi thơ. |
Nhiều bạn nam cũng hào hứng tham gia các trò chơi này. Bạn Phạm Duy Hưởng, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vui vẻ trò chuyện: “Em muốn được hồi tưởng lại ký ức ngày xưa khi chơi với bạn và giải trí. Bản thân em thấy các trò chơi dân gian này bổ ích trên mọi phương diện, còn Pokemon Go hay các trò chơi điện tử khác chỉ là sự hiếu kỳ mà thôi”.
Các bạn nam cũng hào hứng tham gia |
Trước tình trạng nhiều trẻ em nghiện game hay tự chui vào những "vỏ ốc", các hoạt động bổ ích này không chỉ giúp các em nhỏ hiểu biết hơn về trò chơi truyền thống của dân tộc mà còn là một cơ hội để các em vui chơi thỏa thích, nâng cao sức khỏe, đặc biệt là giao lưu, kết bạn với nhau nhiều hơn. Nhảy dây, kéo co hay mèo đuổi chuột đều cần sự tham gia của đông người, từ đó mà sự tự tin, năng động của các em cũng tăng lên.
Kéo co giúp các em thêm đoàn kết hơn. |
Phụ huynh cũng tham gia kéo co cùng con em mình. |
Trước sự năng động và hướng về các giá trị truyền thống dân tộc của nhóm bạn trẻ, nhà văn Lương Đình Khoa cho biết: “Trò chơi dân gian mang nhiều trí tuệ của người xưa, vừa tự nhiên, phù hợp với lứa tuổi, tâm trạng, vừa gửi gắm những kỹ năng, thông điệp, ước mơ.
Nhưng ngày nay, các trò chơi này cực hiếm, ngay tại các làng quê - cái nôi xuất phát của các trò dân gian này còn ít, hầu như không có, thì nói gì đến trẻ em thành phố có cơ hội tiếp xúc, tham gia. Mỗi một nhóm người cùng chung tay, tâm huyết lan tỏa, giữ gìn. Nhiều nhóm cùng chia sẻ, chắc chắn các trò chơi dân gian mỗi ngày sẽ có cơ hội sống lại. Và làm thay đổi thế giới của trẻ em thời hiện đại, thậm chí cả tình cảm, nhân cách”.
Bài và ảnh: Huy Tùng