Phí ship tăng mạnh

Hai con nhỏ thèm ăn bánh ngọt, chị Nguyễn Thị Ngọc (Long Biên, Hà Nội) liên hệ với một cửa hàng bánh ngọt đặt mua. Sau khi chọn xong bánh, chị giật mình khi chủ cửa hàng bánh báo giá phí giao hàng là 76.000 đồng, cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Chị cho hay, tiền ship còn cao hơn cả tiền bánh (55.000 đồng/hộp) nhưng vì con muốn ăn nên chị đành chấp nhận. Để đỡ tiếc tiền giao hàng, chị đặt mua 3 sản phẩm. Tới khi giao hàng, tiền ship được giảm còn 69.000 đồng.

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, nhu cầu mua hàng thực phẩm, thiết yếu online tăng mạnh, trong khi lại thiếu shipper nên mức giá vận chuyển đang tăng khá cao, thậm chí không có người để giao hàng cho khách.

Chị Đỗ Thị Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội), phản ánh: “Mấy đứa con tự nhiên đòi ăn cua, mình gọi điện cho cửa hàng hải sản quen. Họ lấy phí ship 100.000 đồng nhưng không giao ngay mà phải chờ. Tới gần giờ ăn cơm tối, vẫn chưa thấy hàng đâu, mình gọi điện hỏi thì họ báo chưa thể giao. Vì con nhỏ đang háo hức, mình chấp nhận trả phí ship gấp đôi nhưng cửa hàng từ chối”.

{keywords}
Nhiều người kinh doanh online thực phẩm phải dừng bán vì không có shipper.

Không chỉ người mua, các chủ shop cũng đang gặp khó khăn vì phí ship tăng cao. “Dù có khó về xe cộ. Dù phí ship nội thành đắt gắp đôi, gấp 3 thậm chí gấp 4 lần khi chưa giãn cách thì khách nhà em vẫn luôn tin tưởng đặt hàng dù phí đội lên rất rất cao khiến em nhiều phen choáng váng khi shipper hét phí”, một chủ shop chia sẻ trên cộng đồng bán hàng online.

Chuyên kinh doanh các loại đặc sản vùng miền như nem chua, giò chả, bánh trung thu, bà Nguyễn Thị Hường (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang phải dừng nhận nhiều đơn hàng.

Bà Hường cho hay, bà đã chuẩn bị một nguồn hàng thực phẩm để bán online khi Hà Nội thực hiện chỉ thị 16. Tuy nhiên, số lượng bán không được nhiều, chỉ trong quận còn lại các khu vực khác đều không có shipper. Ngay cả trong quận, mức giá ship lên khá cao.

“Bình thường mình giao một đơn hàng trong Hà Nội là 30.000 đồng, còn trong khu vực quận chỉ 10.000 đồng. Nhưng nay do thiếu shipper nên mức giá tăng gấp 3-4 lần”, bà Hường cho hay. Trong khu vực của quận, mức giá vận chuyển thực phẩm, hàng thiết yếu trung bình 40.000-70.000 đồng/đơn. Bà Hường bắt buộc phải tự đi giao hàng trong khu vực quận để giảm chi phí cho người mua.

Với các đơn hàng đi các quận khác trong TP. Hà Nội, bà Hường đều từ chối vì không có shipper. Một số ứng dụng có hoạt động nhưng thời gian lấy hàng và giao chậm nên bà không dám đặt do lo ngại nguy cơ hư hỏng thực phẩm.

Cửa hàng online của chị Thu Thảo, quận Tây Hồ cũng phải đóng cửa do không tìm được shipper. “Các đơn hàng chỉ được giao nội thành còn giao khác quận thì không có shipper, mà đặt qua ứng dụng thì không biết tới bao giờ mới giao được nên mình đành phải nghỉ dù khách suốt ngày gọi đặt hàng”, chị buồn rầu.

"Cháy" shipper

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã có công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công nghệ, qua đó yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách và giao hàng bằng môtô 2 bánh.

Theo Sở GTVT, việc phòng chống dịch bệnh luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Do đó, những người vận chuyển hàng hóa tự do, chủ yếu phục vụ hàng ăn uống, sẽ bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, được sự đồng ý của thành phố, Sở GTVT thống nhất cho phép nhân viên vận chuyển của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử hoạt động.

{keywords}
Số lượng shipper được cấp phép còn quá ít so với nhu cầu thực tế

Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho hay, theo quy định, hiện các sàn phải đứng ra đăng ký danh sách shipper cho hãng giao nhận là đối tác của mình. Đối tác chỉ được vận chuyển hàng cho sàn, không được vận chuyển bất kỳ loại hàng hóa nào khác.

Theo đó, shipper phải có hợp đồng lao động và chỉ được vận chuyển hàng hóa cho siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm, không được vận chuyển giúp những đơn vị không ký kết hợp đồng vận chuyển. Còn các siêu thị, nhà cung ứng thực phẩm có nhu cầu thuê đối tác vận chuyển hàng hóa thì phải đứng ra đăng ký shipper với sở giao thông vận tải.

Đại diện một đơn vị giao hàng cho hay, từ khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, các shipper giao hàng công nghệ như Grab, Be, Fastgo,... đều ngừng hoạt động. Đội ngũ shipper giao hàng tự do cũng bị cấm. Chỉ một vài doanh nghiệp được phép giao hàng nên dẫn tới tình trạng thiếu shipper.

Lượng đơn hàng tăng mạnh nhưng số shipper được cấp phép hoạt động hạn chế nên không thể giao kịp cho khách trong ngày. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều shipper chủ động tắt ứng dụng. Riêng Grab hay Be tại TP.HCM được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.

Dù một số shipper được phép hoạt động, nhưng các hệ thống siêu thị cũng trong tình trạng quá tải. Lãnh đạo một siêu thị cho hay, đội ngũ shipper hiện rất quan trọng để hỗ trợ đưa hàng thiết yếu đến với người dân. Tuy nhiên, các đối tác vận chuyển và shipper cũng gặp khó khăn tương tự trong khu vực nội thành, không thể di chuyển giữa các quận, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động giao hàng đối với đơn online. Do đó, người dân phải xếp hàng rất đông để mua thực phẩm. 

Nhiều sàn thương mại điện tử cũng “đau đầu” khi số lượng đơn hàng bị hoàn trả tăng cao do thiếu shipper, điều đó không chỉ gây áp lực lên người bán, đơn vị vận chuyển mà còn gây mất niềm tin của người tiêu dùng.

Tính đến hết ngày 29/7, Sở GTVT Hà Nội đã cấp mã số xác nhận cho 14.314 xe trên số lượng đề xuất, đăng ký là 17.967. Trước tình hình thực tế số lượng xin cấp thẻ cho shipper tương đối lớn, có thể gây ảnh hưởng đến an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Sở GTVT vừa kiến nghị TP. Hà Nội và các Sở tạm dừng xác nhận tin nhắn qua điện thoại.

Bảo Anh

Hàng quán ở Hà Nội 'lách' quy định để bán online

Hàng quán ở Hà Nội 'lách' quy định để bán online

Bất chấp việc Hà Nội tăng cường giãn cách, nhiều nhà hàng và cửa hàng bán đồ ăn online vẫn hoạt động. Một số hàng quán còn bố trí người giao đồ ăn riêng đến tận nhà khách hàng.