Mặt trái của vấn đề là chính sự linh hoạt đó khiến người Việt có thể dễ dàng đánh mất bản thân, không định vị được giá trị của mình.

Phần 1: Vì sao VN tránh được bi kịch thánh chiến?

Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Phương Mai về các xung đột văn hóa.

Người Việt cầu an

Sự hòa trộn tôn giáo có ảnh hưởng gì đến văn hóa của người Việt?

Với một nền văn hóa và tôn giáo nhiều du nhập, người Việt dễ thích nghi ở mọi hoàn cảnh. Đó là điểm mạnh. Mặt trái của vấn đề là chính sự linh hoạt đó khiến người Việt có thể dễ dàng đánh mất bản thân, không định vị được giá trị của mình, nhất là trong bối cảnh bị một nền văn minh lớn như Trung Hoa áp sát biên giới và một nền kinh tế mãi không cất cánh.

Cùng chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Hán, nhưng những quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc thể hiện bản sắc và sự tự tôn dân tộc tốt hơn, một phần là do họ có điểm mạnh kinh tế. Với sự tự hào của một cường quốc đi lên, họ biết chắt chiu những nét văn hóa riêng biệt, dù rất nhỏ bé của mình, và làm nổi bật nó lên, biến "nét" văn hóa đó trở thành "nền" văn hóa đậm đà, biểu trưng, không thể trộn lẫn.

Ở Việt Nam, chúng ta thường bị tự ti văn hóa, càng ngày càng nặng. Đến nỗi những đền chùa mới cải tạo tu bổ cũng bắt chước đền chùa Trung Hoa với kiến trúc to lớn, mái uốn cong vút sắc lẻm, lan can cột đá cồng kềnh, khác hẳn kiến trúc cổ truyền của đền chùa Việt Nam nhỏ nhắn, mái thuôn cánh thuyền, màu sắc trầm mặc.

{keywords}
TS Nguyễn Phương Mai. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhưng mặt khác, chính điều đó làm cho người Việt thoải mái hơn. Đã từng có nhận xét người Việt hạnh phúc nhất thế giới? Điều này là thật hay hàm ý mỉa mai?

Chỉ số Hạnh phúc là khoa học, không phải mỉa mai. Điều quan trọng ở đây là Hạnh Phúc không phải là một khái niệm thống nhất. Câu hỏi "Thế nào là Hạnh Phúc?" phụ thuộc vào quan điểm của từng người, từng dân tộc. Người cho rằng giàu là hạnh phúc, người coi tự do là hạnh phúc, người cho rằng có gia đình chồng vợ, con cái là hạnh phúc, người cho rằng có danh tiếng mới là hạnh phúc.

Ít có dân tộc nào dễ thẩm thấu cả văn hóa của kẻ thù như người Việt. Trong suốt lịch sử mấy nghìn năm, người Việt luôn trong tâm thế phải chiến đấu chống những cuộc xâm lược, chúng ta cũng luôn phải học cách nhanh chóng hòa nhập trở lại để sống vui vẻ. Chính vì thế, quan điểm của hầu hết người Việt là sự bình yên, an lành chính là hạnh phúc. Câu chúc nhau của người Việt luôn là an lành. Có thể chính lịch sử bấp bênh đã tạo ra tâm lý đó. Cho nên sự yên bình chính là hạnh phúc, và người Việt dễ dàng thỏa mãn vì thế.

Về mặt tiêu cực, chính tâm lý này lại góp phần ngăn cản quyết tâm vươn lên thành công của người Việt. Họ thích an quá, nên không dám mạo hiểm, vượt lên để khẳng định mình. Các sinh viên Việt của tôi thích nghi nhanh, nhưng ít có tư tưởng mạnh mẽ vươn lên trở thành bá chủ, giống như sinh viên đến từ nhiều nước khác. Nếu sinh viên đến từ Nhật Bản, Mỹ, Đức.. luôn xác định phải đạt điểm cao nhất, điểm tuyệt đối; thì sinh viên Việt Nam chỉ cần đạt điểm sàn là được. Điều đó ảnh hưởng đến tư duy phát triển, gọi là 'nền kinh tế hớt váng', chỉ đạt thành quả trước mắt, không nhìn lâu dài.

Chuyện con chim Flappy Bird đang nổi đình đám bỗng bị chết yểu, có liên quan gì đến tư duy cầu an, ngại đối mặt của người Việt không?

Chuyện Flappy Bird bị dừng lại chắc hẳn có nhiều lý do khiến tác giả phải kéo trò chơi xuống. Nhưng tôi nghĩ một trong lý do lớn nhất là 'hạnh phúc' của cậu ta bị ảnh hưởng. Như tôi đã nói ở trên, hạnh phúc là quan điểm, hạnh phúc của người này khác người kia. Có thể hạnh phúc của Nguyễn Hà Đông là được yên ổn làm công việc mình thích, không bị lôi vào những rắc rối; và khi cậu ta không được yên ổn nữa, cậu ta tìm cách thoát ra.

Ở một góc khác, đấy cũng có thể là sự thiếu mạnh mẽ chinh phục của người Việt. Tôi luôn tự hỏi nếu Hà Đông lớn lên trong một nền văn hóa coi trọng sự thách thức và chinh phục đỉnh cao thì cậu ta có kiên quyết đấu tranh cho sản phẩm của mình đến cùng.

Chị có theo tôn giáo nào không? Và nếu có thì chị có thường cầu xin một chữ "an"?

Tôi là người theo chủ nghĩa nghi vấn, tức là suốt đời chỉ liên tục đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Hành trình đi tìm sự thật đó có thể sẽ không bao giờ chấm dứt, và tôi cũng không muốn nó chấm dứt, vì sự hiểu biết là không giới hạn. Vì vậy, đi chùa, vào thánh đường hay nhà thờ của bất kỳ tôn giáo nào, điều duy nhất tôi cầu xin là một sức khỏe bền bỉ để có thể đi tiếp con đường mình đã chọn.

{keywords}
TS Nguyễn Phương Mai cùng một người bạn Hồi giáo. Ảnh nhân vật cung cấp

Cực đoan luôn hấp dẫn

Khi nhắc tới thế giới Hồi giáo, người ta cũng thường nghĩ đến hình ảnh những người phụ nữ trùm mặt lặng lẽ đi theo những người đàn ông. Những câu chuyện người phụ nữ bị ném đá đến chết hay bị xử tử bởi chính người thân của mình, vì một lỗi gì đó như dùng Facebook, tắm dưới mưa... xuất hiện trên báo. Tại sao vậy?

Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin kể câu chuyện thật về một người bạn của tôi. Một lần khi biết tôi chuẩn bị về nước, anh lo lắng hỏi (rất nghiêm túc): "Sao Mai lại về Việt Nam thời điểm này! TV đang đưa tin có bão lũ mà!".

Tức là, buồn thay, khi Việt Nam được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng thì hầu hết chỉ liên quan đến bão lũ hay sập cầu. Thế nên có người nước ngoài tưởng rằng cả đất nước ta mưa gió bão lũ ngập trời không có chỗ nào là an toàn.

Tương tự, những câu chuyện về phụ nữ ở Trung Đông là có thật, và những hình ảnh đó cũng có thật nốt. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất rất nhỏ của bức tranh sự thật rộng lớn. Một trận lũ ở miền Trung không có nghĩa là cả Việt Nam đi lại bằng thuyền. Cũng như một cô gái Trung Đông bị bức hại không có nghĩa là tất cả bọn họ sống trong địa ngục.

Những yếu tố cực đoan luôn luôn hấp dẫn báo chí, và đương nhiên người ta sẽ tò mò đọc về một cô gái bị chính gia đình mình giết hại vì tội dùng Facebook hơn là một câu chuyện về hàng triệu các cô gái khác nghiện Facebook mà chẳng ai trong gia đình thèm quan tâm. Chó cắn người không bao giờ là tin. Chỉ có Người cắn Chó thì mới trở thành tin tức.

Quan điểm của chị về sự tự do của phụ nữ?

Sự tự do của phụ nữ theo tôi đơn giản là quyền được lựa chọn. Bất kỳ một đứa trẻ nào cũng có quyền được học hành, được tiếp cận với những con đường khác nhau, được tự tìm hiểu về chính bản thân mình một cách không gò ép.

Khi trưởng thành, những công dân được trang bị đầy đủ kiến thức đó sẽ tự lựa chọn lối đi cho riêng mình. Họ có thể trở thành một người có sự nghiệp, một người ở nhà làm nội trợ, một cuộc sống lang thang du mục, hay thậm chí đi tu, bất kể đàn ông hay đàn bà. Nữ quyền là tập con của quyền được lựa chọn. Người ta gọi đó là nhân quyền.

Xin cảm ơn chị!

Hoàng Hường (Thực hiện)

Cùng tác giả:

>>Đừng để truyền thông 'lề trái' giễu 'lề phải'

>> Sẽ không còn nhục hình như 'vụ Nguyễn Thanh Chấn'?

>> Có sự cố, chỉ ngay kẻ phải "giơ đầu" chịu