Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT), cho biết trong năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai. Trong đó, có một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất. 

Đó là vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp xảy ra vào ngày 30/7 do mưa kéo dài. Hay vụ sạt lở tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương xảy ra vào ngày 29/6. 

W-anh-chup-man-hinh-2024-01-11-luc-162053-1.png
Toạ đàm "Dấu ấn phòng, chống thiên tai năm 2023".

Tiếp đến vào tối 12/9, mưa lớn gây lũ ống, lũ quét tại TX.Sa Pa và H.Bát Xát (Lào Cai) khiến 9 người chết. Tương tự, chỉ từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, liên tiếp xảy ra 3 đợt mưa lớn tại miền Trung làm 14 người chết, mất tích, trong đó đợt từ 13-17/11 tại Thừa Thiên Huế có nơi mưa trên 800mm/24 giờ, gây ngập lụt nghiêm trọng hạ lưu sông Hương và sông Bồ; tại Đà Nẵng đợt mưa từ 10-17/10 với tổng lượng trên 1.300mm gây ngập lụt nghiêm trọng nhiều khu vực của thành phố…

Ông Hải cũng cho biết thêm từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỉ đồng.

Bổ sung thêm, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay có 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (5 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới). 

Nắng nóng diễn ra gay gắt, có nơi nhiệt độ lên đến 44,2 độ C. Mưa lớn xảy ra tại khu vực miền Trung đặc biệt là các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam với lượng mưa trên 800mm, có nơi mưa trên 1000mm. Theo thống kê, 35 tỉnh, thành phố đã chịu ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất. Công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất vẫn gặp nhiều khó khăn.

Năm 2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm tăng cường mức độ chi tiết các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, trọng tâm là ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, xác định ngưỡng mưa chi tiết hơn. 

Trung tâm đã tăng cường độ phân giải dự báo mưa định lượng lên 1-3 km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, radar, mô hình số nhằm xác định khu vực xuất hiện các tâm mưa lớn phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. 

Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét được xử lý kết hợp các lớp thông tin về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các ngưỡng mưa và đặc biệt là các thông tin về dân sinh, kinh tế… đã được bổ sung để tạo ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất hỗ trợ công tác dự báo. Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất thời gian thực đang được đưa vào dự báo nghiệp vụ, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cảnh báo. Trang web tham khảo được cung cấp trực tuyến tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo góp phần vào việc giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.

Theo ông Hải, trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên, trong các đợt thiên tai năm 2023, nhất là trong mưa lũ, tại một số địa phương, người dân còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người khi đi qua các ngầm tràn, các con suối ngập sâu, nước chảy xiết và bị cuốn trôi, trẻ em bị đuối nước, bị lật ghe….

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, thiên tai ngày càng phức tạp, công tác phòng, chống thiên tai cần chủ động, từ sớm, từ xa. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, người dân, cộng đồng. Xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư; thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách.

Các cơ quan chức năng, liên quan tiếp tục thực hiện việc nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai; nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng...

Thế Vinh và nhóm PV, BTV