Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện, thu hút sự tham gia của 48 nhà xuất bản trên cả nước với 386 cuốn sách, 298 tên sách. Ngoài niềm hân hoan, những người làm xuất bản cũng chia sẻ với VietNamNet về suy nghĩ, kỳ vọng dành cho giải thưởng lớn nhất ngành. 

Cần thêm vận động sáng tác, quảng bá đại chúng

Với Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM Lê Hoàng, bên cạnh việc trao giải, ông đề xuất nên có thêm những cuộc vận động sáng tác.

Từng thành lập Giải Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước và Giải thưởng Văn học tuổi 20 thời làm việc ở NXB Trẻ, ông cho rằng hiện nay có nhiều giải thưởng dành cho đầu ra tác phẩm nhưng thiếu vắng các cuộc vận động tạo ra nguồn đầu vào tác phẩm ổn định. "Không chỉ trao giải cho những tác phẩm đã xuất bản, chúng ta cần thiết vận động, khích lệ các tác giả sáng tác", ông nói. 

Với Giải thưởng Sách quốc gia mùa tổ chức sau, ông Lê Hoàng mong có thêm nhiều tựa sách hay để phục vụ cho thiếu nhi, kích thích xây dựng thói quen đọc của những chủ nhân tương lai của đất nước ngay từ nhỏ. 

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

"Giải thưởng có thể vinh danh tác phẩm nhưng để có những tác phẩm đỉnh cao, trọng tâm vẫn nằm ở năng lực các tác giả. Các tác giả phải xông xáo tìm đề tài, vắt tim óc, rút ruột viết nên những tác phẩm để đời. Giải thưởng có lớn mấy mà không có tác phẩm xứng tầm thì cũng không trao được. Tôi mong có nhiều tác giả hơn quan tâm đến đề tài dành cho thiếu nhi", Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho hay.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - CEO Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn kiến nghị Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia có thể xem xét, cân nhắc thêm tiêu chí nhu cầu đọc thực tiễn của bạn đọc để các tác phẩm đoạt giải đa dạng, phong phú hơn. 

Kế đến, ông Quỳnh mong muốn các tác phẩm đoạt giải lan tỏa rộng rãi hơn đến bạn đọc. Theo ông, bên cạnh các kênh truyền thông chính thống, ban tổ chức có thể quảng bá các tác phẩm đoạt giải trên các nền tảng thương mại điện tử đông người dùng, thậm chí là qua tin nhắn điện thoại.

"Theo tôi, ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia không chỉ vinh danh sách hay mà còn nên lan tỏa những tựa sách ấy đến cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này trong khả năng của mình", ông cho hay.

Cuối cùng, CEO Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn đề xuất ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia vận động các nhà tài trợ mua những tác phẩm đoạt giải tặng lại cho các thư viện trường học, viện nghiên cứu và thư viện địa phương. Ông nói: "Sách hay chỉ phát huy giá trị của nó khi đến được tay bạn đọc. Sách hay nằm trên kệ, trong kho sẽ rất uổng phí". 

Các tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công ty CP Sách Thái Hà cũng cho rằng việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những cuốn sách được giải cần được làm tốt hơn về chiều sâu, nội dung lẫn chiều rộng trên nhiều kênh truyển thông.

"Những cuốn sách được giải cần được trưng bày tại nhiều nơi, cần được giới thiệu và quảng bá rộng rãi hơn, cần tổ chức nhiều chương trình giao lưu với các tác giả, các dịch giả, các biên tập viên, các đơn vị xuất bản, kể cả online và trực tiếp", ông nói.

Vinh danh đội ngũ xuất bản như dịch giả, biên tập, họa sĩ thiết kế

Trong khi đó, ông Lê Văn Thành - đại diện NXB Kim Đồng hy vọng việc cộng hưởng giữa ban tổ chức và các đơn vị xuất bản, các tác giả ở những mùa giải sau sẽ được phát huy tốt hơn trong chuỗi hoạt động truyền thông trước và sau lễ trao giải.

"Theo tôi có thể cân nhắc mời thêm những cá nhân có sức ảnh hưởng đối với cộng đồng mà yêu sách, thích đọc sách, đặc biệt là các bạn trẻ yêu mến sách để tạo thêm sự thu hút, lan tỏa nhiều hơn nữa của giải thưởng trong công chúng", ông nói. 

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi – giám đốc Công ty CP Văn hóa Chi mong Giải thưởng Sách quốc gia có những nới rộng quy định về thời hạn nộp lưu chiểu sách, tránh để các cuốn sách giá trị bị mất cơ hội đề cử. Chị lấy ví dụ từ chính trường hợp cuốn Về Huế ăn cơm (tác giả Phi Tân) của đơn vị mình đã mất cơ hội tham gia đợt xét Giải thưởng Sách quốc gia vừa qua.

Nữ dịch giả mong trong những lần tổ chức tới, Giải thưởng Sách quốc gia sẽ vinh danh cả những thành phần khác trong đội ngũ xuất bản như dịch giả, biên tập, họa sĩ thiết kế... "Nếu chúng ta có được những giải thưởng riêng biệt để vinh danh như vậy thì thật ý nghĩa và chu toàn. Bởi thành công của một cuốn sách luôn đến từ một tập thể", chị nói.

Giám đốc Công ty CP Văn hóa Chi lấy ví dụ các giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế cũng phân chia hạng mục khá chi tiết để vinh danh từng bộ phận tham gia sản xuất nên một tác phẩm xuất sắc. Vì vậy theo chị, để tiến tới một giải thưởng sách chuyên nghiệp hơn nữa, cần có sự nhìn nhận xứng đáng từng vai trò của các mắt xích tạo nên cuốn sách.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công ty CP Sách Thái Hà.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần thiết trao thưởng cho thiết kế bìa sách, minh họa đẹp nhất. Bởi theo khảo sát của đơn vị này, bìa sách đóng vai trò đến 55% quyết định của bạn đọc khi mua sách. Ông cũng đề xuất tôn vinh tôn vinh sách nói, sách điện tử - 2 hình thức xuất bản đang phát triển, cần được tôn vinh và khích lệ.

Chủ tịch Công ty CP Sách Thái Hà nhấn mạnh trong giai đoạn 2022 - 2023, việc Việt Nam giữ chức Chủ tịch và Tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN là cơ hội tốt để kết nối ngành xuất bản cả khu vực, đồng thời quảng bá sách và văn hoá đọc Việt Nam ra các nước khác và thế giới.

Đơn vị này đã đề xuất xây dựng Giải thưởng sách Asean Book Awards với hội đồng chọn ra những tác phẩm giá trị nhất của cả khu vực để tôn vinh đồng thời xuất bản bộ sách được giải bằng ngôn ngữ của 10 nước ASEAN.

"Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai Việt Nam có ngành công nghiệp xuất bản, không chỉ sẽ có doanh thu lớn từ ngành sách mà còn đạt mốc mong muốn mỗi người dân đọc 10 cuốn sách/năm. Tôi tin rằng đến một ngày không xa, mọi gia đình Việt Nam đều có tủ sách to hơn tủ lạnh, tri thức cho bộ não được quan tâm hơn cả thức ăn, thực phẩm cho dạ dày", TS. Nguyễn Mạnh Hùng nói.