Cuốn sách mới nhất của nhà thơ Dương Kỳ Anh |
Quả thật, những gì nhà thơ Dương Kỳ Anh thể hiện trong cuốn sách Đổi mới, làm mới thơ đều là những kiến thức văn hóa nhiều lớp, nhiều chiêm nghiệm. Ông thực sự là một nhà văn hóa đương đại mang tâm hồn thi sĩ.
Sự đổi mới, làm mới thơ mà ông đề cập trong cuốn sách này từ Bài thơ mở đầu phong trào thơ mới”, bài thơ Tình già của cụ Phan Khôi, đến nhà cách tân thơ mà nhiều người thường nhắc đến cố thi sĩ Trần Dần trong bài viết Đọc lại Trần Dần, nghĩ về thơ hiện nay. Lùi xa hơn nữa là bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư cách chúng ta những 11 thế kỷ.
"Quan điểm của ông về cái mới rất khác với nhiều người hiện nay. Theo ông thơ mới đồng nghĩa với thơ hay chứ không phải là thơ viết cho khác đời, khác người, bắt chước các trào lưu phương Tây để lòe thiên hạ..." (trích bài viết của nhà thơ Lê Quốc Hán trên facebook). Tôi hoàn toàn đồng tình với TS, nhà giáo ưu tú, nhà thơ Lê Quốc Hán nhận định này khi đọc hết cuốn phê bình tiểu luận của nhà thơ Dương Kỳ Anh vừa xuất bản.
Từ Bài thơ mở đầu phong trào thơ mới đến Đọc lại Trần Dần nghĩ về thơ hiện nay; Thơ và ca dao: Thơ và luận; Thơ và lời bình; Thơ trên Facebook, Đọc thơ để gặp người... Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã đi từ nhiều góc cạnh, từ nhiều phía để soi chiếu vào thơ, vào quá trình đổi mới, làm mới thơ hiện nay. Bởi vậy, đọc Đổi mới, làm mới thơ ta thấy tác giả thực sự tâm huyết, khách quan và nhiều chiều, không hề áp đặp ý kiến chủ quan của mình.
Qua cuốn sách này, ta thấy một Dương Kỳ Anh luôn ủng hộ, cổ vũ sự đổi mới, làm mới thơ nhưng ông cũng rất tôn trọng những người trung thành với cách viết riêng của mình, trung thành với cách viết truyền thống. Tôi là một nhà báo, một người yêu thơ, đọc nhiều thơ nên tôi rất tâm đắc với tác giả cuốn sách - nhà thơ Dương Kỳ Anh khi ông cho rằng thơ hay là tiểu chuẩn hầng đầu cho mục đích đổi mới, làm mới thơ hiện nay.
Điều tôi thích nhất ở cuốn sách này là được đọc nhiều câu thơ hay mà nhà thơ Dương Kỳ Anh đã dày công tìm kiếm trong các tập thơ, trên các báo, trên facebook:
Cả đời chẳng chịu nghe ai / Đêm nằm nghe mọt giảng bài thế gian (Phan Cung Việt); Cái còn, thì vẫn còn nguyên / Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan (Trần Đăng Khoa); Tập Như trái đất / Lặng thầm mà quay / Tập như ánh trăng / Lặng im mà dầy (Phạm Khải); Tôi mơ thành chó đá / đứng canh chừng lãng quên (Vương Cường); Đừng dày vò em, đừng đánh thức em / Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước / Thì hãy để một ngàn nữa vẫn lạc nhau / Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu... (Như Bình)
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà (Phạm Hữu Quang); Cái ngày vừa mới đây thôi / Em đem về tận cuối trời còn đâu (Lương Ngọc An); Bàn tay mỏi lắm / Bấm đốt nhớ mong / Năm cùng tháng tận / Vui buồn có không (Vân Khánh); Nợ tình càng trả càng đầy (Thanh Bình); Chiều nay bỏ học tôi về / Bố tôi quăng cái roi tre lên trời (Nguyễn Vĩnh Tiến); Đêm Nam Sơn / Rượu Phần Dương / Rót trăng Phố Hiến / Hỏi đường lưu linh (Đỗ Cao Sơn); Vui không có hạn, sầu không hạn / Nằm giữa lòng trăng, khóc giữa trời (Vân Đài); Tờ lịch thơ mỏng mảnh / Tay em chớ vò nhau / Trái tim nhiều kiêu hãnh / Xin đừng làm anh đau (Nguyễn Hoàng Sơn) ...
Nhiều và rất nhiều câu thơ mà tôi cho là hay, cho là nhà thơ Dương Kỳ Anh rất tinh khi chọn ra từ trong hàng vạn, hàng vạn câu thơ của hàng trăm nhà thơ những câu thơ như thế.
Thật kỳ công! Tôi chắc nhà thơ Dương Kỳ Anh đã bỏ ra rất nhiều thời gian để đọc hàng trăm tập thơ, hàng ngàn trang thơ, hàng vạn câu thơ trên facebook để chọn ra những câu thơ hay, tiêu biểu, những câu thơ lay động lòng người. Cũng là để chứng minh thơ hay chính là thơ mới, là điều các nhà thơ cần hướng đến.
Có năm điều cốt lõi về đổi mới, làm mới thơ mà nhà thơ Dương Kỳ Anh nêu ra trong cuốn sách của ông tôi tin là sẻ được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Điều cốt lõi đầu tiên ấy là: Đổi mới, làm mới thơ không chỉ là sự đổi mới, làm mới cấu tứ, ngôn ngữ mà phải đổi mới từ trong tư tưởng, cảm xúc, cách nghĩ, cách cảm...
Muốn đổi mới, làm mới thơ trước hết người làm thơ phải tự đổi mới, làm mới mình chứ không chỉ tìm cách bày đặt ra cái khác người. Muốn vậy, người làm thơ phải sống hết mình, yêu hết mình, cảm thông hết mình với từng số phận con người, số phận quê hương, đất nước.
Soi chiếu vào những vần thơ nhưng câu thơ hay còn lại với thời gian từ xưa đến nay ta luôn thấy điều mà Trương Trào đã viết trong U mộng ảnh (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê): Tuyệt tác văn chương cổ kim đều viết bằng huyết lệ.
Đừng lấy những cách viết khác người, những triết lý vụn vặt, cầu kỳ, khó hiểu... làm tiêu chí cho cái mới. Cái mới nào khi ra đời đều bị cái cũ, cái lạc hậu chống lại. Nhưng không phải mọi cái mới ra đời đều là cái hay, cái tốt, cái đẹp! Mọi sự tìm tòi, đổi mới đều đáng trân trọng nhưng không phải vì thế mà khăng khăng phủ nhận cái đã có, nhất là cái đã được thời gian kiểm định qua hàng thế kỷ...
Khi tôi hỏi nhà thơ Dương Kỳ Anh về thời gian mấy năm để viết ra cuốn sách này, ông nói: “Gần 20 năm nay tôi luôn nghĩ về những gì mình sẽ bày tỏ trong cuốn sách và gần 10 năm nay tôi bắt tay vào viết. Một số bài viết trong này tôi đã in trên các báo như Văn Nghệ Công An; tạp chí Thơ, báo Văn Nghệ, Nhà Văn và Tác Phẩm; báo Tiền Phong... Nhiều bài viết tôi chưa in ở đâu cả nhưng tôi sẽ gửi in ở một số tờ báo mà tôi thích. Thực lòng, vì yêu thơ, say thơ, mong muốn người đọc không quay lưng lai với thơ nên tôi quyết tâm viết cuốn Đổi mới, làm mới thơ chứ thực ra thể loại này bây giờ in ra khó bán lắm mà thời gian, tâm huyết mình bỏ vào đây lại quá nhiều, quá vất vả".
Chỉ có những người yêu thơ, say thơ, hết lòng vì thơ như ông mới làm việc này. Tôi viết mấy dòng cũng là để mong sao một cuốn sach hay, đáng đọc được nhiều người tìm đọc...
Thảo Dương
Cuốn sách giúp kiến tạo tương lai của chính bạn
"Tích cực, lạc quan, hấp dẫn, dễ đọc và dễ áp dụng vào thực tiễn, các kỹ năng được nêu trong cuốn sách này có thể thay đổi cuộc sống và giúp bạn đạt tới mức hiệu quả mà bạn mong muốn", tạp chí San Francisco Book Review nhận xét.