Theo bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, qua các nhiệm kỳ Quốc hội, công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội nói chung, trong đó có truyền thông chính sách, pháp luật do Quốc hội ban hành, đã từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác truyền thông chính sách trong tình hình mới. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, công tác truyền thông chính sách, pháp luật do Quốc hội ban hành đã có bước tiến bộ rõ rệt, chủ động tiếp cận từ sớm, từ xa một cách bài bản, nghiêm túc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài, tạo chuyển biến về nhận thức trong công tác truyền thông chính sách,

“Các sự kiện, hoạt động của Quốc hội nói chung và các chính sách, dự án luật, dự thảo Nghị quyết... do Quốc hội xem xét, thông qua đều được chi tiết hóa bằng các kế hoạch, đề án tuyên truyền, bảo đảm tuyên truyền sâu, rõ trọng tâm, trọng điểm, rõ thông điệp cả trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện, hoạt động. Bên cạnh đưa tin sự kiện, các cơ quan báo chí nói chung, trong đó có Báo Đại biểu Nhân dân đã có nhiều bài, tuyến bài bình luận, phân tích chuyên sâu phản ánh “hơi thở” cuộc sống, được dư luận xã hội quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và công tác truyền thông chính sách, pháp luật do Quốc hội ban hành nói riêng”, bà Huyền nhận định.

anh 1.jpg
Cần đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông trên nền tảng số để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách. Ảnh: B.M

Cũng theo bà Huyền, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách, pháp luật do Quốc hội ban hành còn một số hạn chế nhất định. Ví dụ, chưa có quy định tổng thể, thiếu định hướng chiến lược bài bản về công tác truyền thông chính sách; công tác định hướng thông tin đôi lúc còn bị động; việc cung cấp thông tin cho báo chí chưa có sự phối hợp chặt chẽ; các phương thức truyền thông chưa được triển khai đồng đều và thường xuyên, nhất là việc áp dụng phương thức truyền thông hiện đại, truyền thông trên nền tảng số, mạng xã hội. 

Bên cạnh đó, chưa có sự phân loại thông tin để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng truyền thông; thông tin chủ yếu mang tính một chiều, chưa chú trọng đến sự tương tác và phản hồi; chưa xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin nguồn.

“Các vấn đề được Quốc hội bàn luận, xem xét, quyết định đều là vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng, nhưng quan điểm của các đối tượng khác nhau liên quan đến các quyết sách này không giống nhau. Nếu không thận trọng về truyền thông thì rất dễ rơi vào tình trạng, hoặc là phản ánh thông thường sẽ không làm nổi bật được thông điệp chính thống của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về vấn đề đó; hoặc nếu quá chú trọng vào quan điểm của Quốc hội sẽ khiến dư luận cảm thấy thông tin một chiều và nguy hiểm hơn là tạo cơ sở cho các thế lực thù địch xuyên tạc, cho rằng Quốc hội thiếu dân chủ”, bà Huyền lưu ý.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra những thách thức đối với công tác truyền thông chính sách nói chung và công tác truyền thông chính sách, pháp luật do Quốc hội ban hành nói riêng. Các hình thức truyền thông mới tác động sâu sắc đến cách thức tiếp nhận thông tin, nhận thức và xử lý thông tin của công chúng. Cùng với đó là thách thức rất lớn về vấn nạn tin giả (fake news), thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin bịa đặt, thông tin xấu độc. 

Vì thế, cần phát huy thế mạnh, khai thác tiện ích các phương thức truyền thông mới, truyền thông mở và tương tác để tiếp cận nhiều đối tượng độc giả ở nhiều vùng, miền khác nhau, cả trong và ngoài nước. Có chiến lược và cách thức để đưa chính sách, pháp luật lên những mạng xã hội hiện đang thu hút lượng lớn người xem, như: Tiktok, Facebook, Twitter, Youtube... và các mạng xã hội sử dụng trí tuệ nhân tạo (Al) khác để cung cấp các sản phẩm truyền thông theo sự quan tâm của người dùng.

“Thông tin chính thống, chuẩn mực về hoạt động của Quốc hội bắt buộc phải trở thành dòng chủ lưu trên hệ thống thông tin truyền thống và chính thống, trong đó Báo Đại biểu Nhân dân được xác định là một trong những cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội, 1 trong 12 cơ quan báo chí chính trị chủ lực của quốc gia, đồng thời cả trên không gian số”, bà Huyền nhấn mạnh.

“Về lâu dài, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông trên nền tảng số, mạng xã hội; phát huy hệ thống truyền thông xã hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách, pháp luật bằng tiếng nước ngoài; thúc đẩy truyền thông qua đội ngũ những người có ảnh hưởng, người nổi tiếng, giới học giả trí thức, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế…, đặc biệt tăng cường phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…”, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nêu một loạt khuyến nghị. 

Vân Anh và nhóm PV, BTV