Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã ở Washington với sứ mệnh tìm kiếm một sự ủng hộ rõ ràng, cụ thể hơn từ Mỹ khi tranh chấp lãnh thổ giữa Manila và Bắc Kinh gia tăng ở Biển Đông.

Ông del Rosario nói rằng, ông tìm kiếm “sự rõ ràng” về hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ; ông mong muốn Mỹ tuyên bố rằng, hiệp ước này sẽ được áp dụng cho tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc về vùng biển giàu tiềm năng dầu khí. Chính phủ của ông cũng muốn được trợ giúp để tăng cường lực lượng hải quân, có lẽ là thông qua việc thuê các tàu tuần tra.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton Ảnh: AP

Đây là những đề nghị khó khăn cho chính quyền Obama khi đang cố gắng tránh đứng về bất kỳ phía nào trong những nguy cơ đụng độ ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở một vùng biển châu Á rộng lớn, giàu tài nguyên và có ý nghĩa sống còn – vùng biển mà Bắc Kinh (rõ ràng là đi ngược với luật pháp quốc tế) khi đưa ra tuyên bố chủ quyền với toàn bộ khu vực này.

Trung Quốc dĩ nhiên muốn Mỹ đứng ngoài tranh chấp giữa họ với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Họ muốn giải quyết vấn đề bằng con đường song phương với từng quốc gia yếu hơn. “Tôi tin là cá nhân mỗi nước thực sự đang đùa với lửa”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói hôm thứ Tư. Ông này thậm chí cảnh báo: “Và tôi hy vọng Mỹ sẽ không bị bỏng vì ngọn lửa này”.

Kiểu ngôn ngữ đe dọa này rõ ràng làm rõ vì sao Mỹ cần phải áp dụng ảnh hưởng của mình. Hơn 1/3 thương mại toàn cầu chu chuyển qua Biển Đông. Và vì vậy đảm bảo tự do hàng hải là “một lợi ích quốc gia” như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã tuyên bố năm ngoái. Một điều quan trọng nữa là kiểm tra việc Trung Quốc “tăng tốc” chèn áp các nước láng giềng, kiểu như Philippines hay thậm chí là Nhật Bản – nước cũng có tranh chấp hàng hải với Bắc Kinh.

Chính quyền Obama đã có những hành động trong xu hướng này. Ngoài tuyên bố của bà Clinton – khi bà tái khẳng định lợi ích của Mỹ ở Biển Đông trong tuần trước, thì gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Robert M. Gates cũng cam kết rằng “5 năm kể từ bây giờ trở đi, ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á sẽ mạnh mẽ nếu không phải là mạnh hơn hiện tại”.

Sau cuộc gặp với ông del Rosario, bà Clinton khẳng định, Mỹ tuân thủ hiệp ước phòng thủ chung với Philippines và sẽ cung cấp cho đồng minh này các loại vũ khí phù hợp. Bà nói: "Chúng tôi quyết tâm và cam kết hỗ trợ cho việc phòng thủ của Philippines và có nghĩa là sẽ cố gắng tìm cách cung cấp các trang thiết bị phù hợp”.

Những tuyên bố như vậy nên được kết hợp với các sáng kiến. Bà Clinton từng đề xuất, Mỹ có thể đóng một vai trò trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận đa phương về Biển Đông; Washington nên gây sức ép với Trung Quốc để chính thức hóa một “bộ quy tắc hành xử” với các quốc gia Đông Nam Á trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Mặc dù có tính trung lập trong tranh chấp lãnh thổ, chính quyền Obama cũng có thể chỉ ra việc các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là mâu thuẫn với công ước của LHQ. Và nếu chính phủ của ông del Rosario mong muốn thay đổi hợp tác quốc phòng lâu dài giữa Philippines với Mỹ từ chống khủng bố sang tuần tra và bảo vệ lãnh hải của họ, thì Lầu Năm Góc nên sẵn sàng hợp tác.

  • Thái An (Theo Washingtonpost)