MP3 - định dạng cách mạng của âm nhạc kể từ những năm 90 đã chính thức bị khai tử. Viện nghiên cứu Vi mạch tích hợp Fraunhofer tại Đức, nơi đã tạo ra định dạng nhạc huyền thoại vừa thông báo chấm dứt cấp phép các bằng sáng chế liên quan đến chuẩn MP3. Dù khai tử, nhưng MP3 vẫn là chuẩn đang sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Nguyên nhân được cho rằng hiện nay đã có nhiều cách thức lưu giữ âm nhạc tốt hơn. Giám đốc Viện Fraunhofer trả lời NPR rằng định dạng AAC (Advanced Audio Coding) đã trở thành tiêu chuẩn mới để tải nhạc và video trên điện thoại di động hiện nay.
AAC tỏ ra hiệu quả hơn hẳn MP3, chức năng streaming TV và phát thanh radio đều sử dụng định dạng này để tạo ra chất lượng âm thanh cao với tốc độ bit thấp hơn so với MP3.
Những nghiên cứu cơ bản về mã hóa âm thanh được bắt đầu tại Đại học Friedrich-Alexander ở Erlangen, Nuremberg, Đức vào cuối những năm 80. Các nhà nghiên cứu tại đây đã phối hợp với Viện Fraunhofer để tạo ra chuẩn MP3. Định dạng này chiếm chỉ 10% không gian lưu trữ so với tệp gốc, giảm đáng kể so với công nghệ thời điểm đó.
Viện Fraunhofer sau đó chia sẻ phần mềm cho người dùng có thể tách những bài nhạc từ đĩa compact thành các tệp tin MP3 trên máy tính. Đến cuối những năm 90, các tệp tin này được lưu lại trên Internet, mở ra hành vi vi phạm bản quyền số. Nhiều trang web chia sẻ nhạc lậu nổi tiếng trên thế giới như Napster hay Kazaa, cho phép người dùng tải nhạc chỉ với 1 cú nhấp chuột. Tuy nhiên, phần lớn đơn vị tuân thủ tác quyền âm nhạc.
iTunes của Apple là cái tên nổi tiếng trên thị trường âm nhạc, vốn đã cho phép người dùng lựa chọn chuẩn AAC ngay từ đầu. Tuy vậy, MP3 xứng đáng có một vị trí trang trọng trong lịch sử, như là định dạng đầu tiên cho thấy khả năng trao đổi dữ liệu thực sự của Internet.
Theo Zing