Những kẻ buôn người hay đến các vùng nông thôn, tìm những mục tiêu để lừa gạt, dụ dỗ, cưỡng ép bán ra nước ngoài. Đó thường là con gái của các gia đình có kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình, việc làm không ổn định, hoặc học sinh thích đua đòi, hám vật chất, thích ăn chơi, muốn làm việc nhẹ nhàng nhưng có thu nhập cao, lấy chồng có điều kiện để trở nên giàu sang.
Chúng sử dụng công nghệ thông tin (điện thoại, Internet, mạng xã hội Facebook, WeChat, Viber…), làm quen, tạo lòng tin, lừa gạt bằng hình thức giả vờ yêu đương, đưa đi thăm gia đình, tạo công ăn việc làm. Đồng thời tuyển mộ, lừa gạt phụ nữ có thai ngoài ý muốn hoặc có thai nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để đưa sang nước ngoài sinh, sau đó bán trẻ sơ sinh với vỏ bọc cho - nhận con nuôi. Trường hợp chưa kịp sang nước ngoài mà sản phụ đã sinh con thì chúng đưa trẻ sơ sinh sang nước ngoài bán.
Cảnh sát giải cứu trẻ sơ sinh trước khi bị bán ra nước ngoài hồi tháng 3/2021. |
Nhiều vụ việc bán con trong năm nay cũng khiến dư luận quan tâm. Ngày 31/8, Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã mở phiên xét xử đối với các bị cáo Nguyễn Văn Nhiều (SN 1974), thường trú tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và Lâm Tố Quyên (SN 1991), thường trú huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng về tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Tại cơ quan công an, Nhiều và Quyên khai nhận xin trẻ sơ sinh của một phụ nữ tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tân (Vĩnh Long), sau đó đưa cháu bé từ Vĩnh Long đến Cao Bằng giao cho bà Trần Thị Thanh Xuân, là người Việt Nam lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Trước đó, bà Xuân hứa trả cho Nhiều 25 triệu đồng tiền công, Nhiều hứa cho Quyên 15 triệu đồng sau khi bàn giao đứa trẻ cho bà Xuân.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Nhiều bị tuyên phạt 8 năm tù giam, bị cáo Lâm Tố Quyên 7 năm tù giam về tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Ngày 22/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Loan (46 tuổi), trú tại xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang và Nguyễn Thị Mận (38 tuổi), trú tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau về tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo đó, Nguyễn Thị Mận bị phát hiện khi đang chuẩn bị đưa 3 phụ nữ và 1 trẻ sơ sinh xuất cảnh sang Trung Quốc bán con. Lực lượng chức năng xác định, từ đầu năm 2021, Trần Thị Loan và Nguyễn Thị Mận đã móc nối với nhau nhằm đưa một số phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bán con. Vụ việc đang được Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và công an các địa phương phối hợp mở rộng điều tra.
Trước đó, nhiều người cũng bàng hoàng về chuyên án triệt phá đường dây buôn bán trẻ em sang Trung Quốc đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, ngày 8/3, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 8 bị can về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi. Chuyên án đã giúp giải cứu 5 trẻ sơ sinh, đồng thời, ngăn chặn việc bán con của 1 phụ nữ đang mang thai tháng thứ 8.
Quá trình điều tra, Cục Cảnh sát hình sự làm rõ: Tháng 4/2019, Mai Minh Chung đi làm công nhân tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Chung móc nối với các đối tượng mua bán trẻ em bằng cách truy cập vào các nhóm, hội “cho nhận con nuôi”, “hiếm muộn”... trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo... để tìm phụ nữ đang mang thai, phụ nữ mới sinh con có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện nuôi con, cần bán con. Chung thỏa thuận mua trẻ em với giá từ 80 đến 100 triệu đồng, sau đó hướng dẫn các phụ nữ, đưa lên Cao Bằng và tìm cách liên hệ để đưa sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Theo Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Các đối tượng phạm tội có tiền án về tội có liên quan đến mua bán trẻ em, câu kết chặt chẽ với nhau, lợi dụng sơ hở quản lý biên giới và lợi dụng các trang mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng hoạt động tại nhiều địa phương, chủ yếu liên hệ thông qua mạng xã hội, lợi dụng dịch bệnh vẫn tích cực hoạt động tìm cách đưa trẻ em lên biên giới đưa sang Trung Quốc.
Các hành vi buôn bán trẻ em nêu trên không chỉ xâm hại đến quyền trẻ em mà còn tác động xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước. Trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật trong nước và quốc tế bảo vệ, mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm minh. Luật Phòng, chống mua bán người 2012, Luật Trẻ em 2016 đã nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, theo Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), tội mua bán người dưới 16 tuổi có thể bị phạt tù đến chung thân.
Bích Thủy