Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực.
Chống tham nhũng, tiêu cực còn được ví như chống “giặc nội xâm” với mục tiêu làm trong sạch bộ máy, góp phần rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân.
Thực tế cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm gần đây đã có bước tiến lớn, được thực hiện kiên trì, bền bỉ, trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi quyết tâm lớn và cả những cách làm sáng tạo.
Vì thế, việc Thành ủy TP.HCM có chủ trương “mua tin” và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố, đây vừa là cách làm mới, bước đi phù hợp, mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin.
Thành ủy TP.HCM xác định, thông tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là các thông tin tố cáo, phản ánh các hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn; tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phạm vi thuộc Thành ủy, UBND TP.HCM quản lý.
Đây được xem là hình thức khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, Thành ủy TP.HCM cũng quy định rất cụ thể để không một ai có thể lợi dụng việc này nhằm gây mất đoàn kết nội bộ, cũng không để một ai chỉ bằng cảm nhận, cảm giác …rồi đi tố cáo
Chủ trương mới của Thành ủy TP.HCM có 2 hình thức tiếp nhận thông tin.
Thứ nhất, cung cấp thông tin trực tiếp: Người cung cấp thông tin trực tiếp phản ánh, cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo và bộ phận tiếp nhận thông tin của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tại trụ sở làm việc hoặc địa điểm phù hợp.
Thứ hai, cung cấp thông tin gián tiếp: Bằng văn bản qua đường bưu điện hoặc qua hộp thư điện tử của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Người cung cấp thông tin sẽ được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác khi cung cấp thông tin; được nhận khoản tiền mua tin tối đa là 10 triệu đồng/tin (vụ việc) nếu thông tin cung cấp chính xác, giúp các cơ quan chức năng có cơ sở thẩm tra, xác minh và xử lý được hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Thực tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công.
Vì thế, việc Thành ủy TP.HCM thể chế việc tiếp nhận thông tin về tham nhũng, tiêu cực, khuyến khích, động viên, bảo vệ người cung cấp thông tin cũng là quyết tâm lớn trong xử lý các hành vi tham nhũng của cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn thuộc phạm vi quản lý.
Dựa vào dân, lắng nghe dân vì đông đảo nhân dân rất nhiều tai mắt là cách làm nhằm phát huy sức mạnh của quần chúng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.
Với chủ trương mới, cách làm mới, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại TP.HCM sẽ có những kết quả mới. Và quan trọng hơn, từ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện một cách có hiệu quả sẽ tạo được động lực để thành phố có bước đột phá đi lên.
Suy cho cùng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng chính triệt bỏ lực cản, tạo động lực cho phát triển.