Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở thăm Mỹ Latinh và đây là chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất của ông kể từ khi đắc cử nhiệm kỳ 3. 

TIN BÀI KHÁC:


{keywords}
Tổng thống Putin đang có chuyến thăm dài ngày đến Mỹ Latinh. (Ảnh: Itar-Tass, EPA)

Trong một bài bình luận về sự kiện này đăng trên báo The Guardian, tác giả Dmitri Trenin cho rằng mục đích của ông Putin khi tới "sân sau" của Mỹ là chứng tỏ sức mạnh to lớn của Moscow cả về kinh tế lẫn chính trị.

Theo Trenin, ông Putin muốn khẳng định Nga là một cường quốc thế giới chứ không phải chỉ ở tầm khu vực như Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả mới đây. Gặp gỡ và hội đàm với lãnh đạo các nước Mỹ Latinh là một cách chắc chắn để ông chủ điện Kremlin gửi đi thông điệp ấy.

Mới đây, Nga đã bị loại khỏi nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển G8 liên quan đến khủng hoảng ở Ukraina. Điều đó càng khiến Nga hăm hở hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác bên ngoài phương Tây. Thỏa thuận về một ngân hàng của khối BRICS - đạt được tại hội nghị ở Fortaleza, Brazil, mới đây - đã đưa sự hợp tác của nhóm các quốc gia này vươn lên một tầm cao mới.

Ngoài việc bảo vệ các lợi ích của mình trước Mỹ, Nga giờ đây còn dường như còn sẵn sàng tận dụng sự bất bình của các quốc gia khác đối với Washington.

Thêm nữa, chuyến công du của Tổng thống Putin không đơn thuần chỉ mang tính chính trị. Nhà lãnh đạo Nga còn ký kết một loạt hợp đồng kinh tế. Thương mại của Nga với Mỹ Latinh hiện thời đang ở mức khá ít: chỉ 185 triệu USD với Cuba, 1,5 tỷ USD với Argentina. Tuy nhiên, việc Moscow quyết định xóa các khoản nợ từ thời Liên Xô sẽ khuyến khích đầu tư vào thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Cuba. 

Một vấn đề nữa là, do Washington không muốn cho Nga đặt các trạm hệ thống định vị Glonass trên lãnh thổ Mỹ, giờ đây Moscow đang lên kế hoạch xây những cơ sở này ở Nicaragua. Và một Argentina có nguy cơ vỡ nợ vẫn được Nga nhìn nhận như một đối tác đầy hứa hẹn.

Trái ngược với sự vươn rộng của Trung Quốc tới Mỹ Latinh chỉ mang tính kinh tế, Nga ràng buộc với khu vực này là về địa chính trị. Cuộc gặp của Tổng thống Putin với lãnh đạo Cuba Fidel Castro đặc biệt mang tính biểu tượng, tựa một sự kết nối giữa hai kỷ nguyên.

Lần cuối Putin thăm Havana là vào năm 2000. Khi đó, ông đã đóng cửa trung tâm thu thập thông tin tình báo Nga ở Lourdes như một hành động thiện chí dành cho Mỹ. Nhưng trong suy nghĩ của người đứng đầu chính quyền Moscow, quyết định của ông khi đó, và sau vụ khủng bố 11/9, đã không được Washington đánh giá đúng tầm.

Và với sự hiện diện của Không quân và Hải quân của Nga trong tương lai ở Nicaragua, dù ở giới hạn nào, thì Mỹ Latinh chắc chắn sẽ là một chủ đề không thể thiếu trong nghị trình của các mối quan hệ Nga - Mỹ. 

Thanh Hảo