Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”, Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Nhìn lại hậu quả của chính sách ngu dân mà thực dân Pháp để lại sau hơn 80 năm đô hộ nước ta đó là hơn 95% người Việt Nam mù chữ. “Ngu dân” là một trong những phương pháp thâm độc mà chế độ thực dân sử dụng để cai trị nhân dân Việt Nam, để dễ bề lừa dối, bóc lột và đàn áp.
Bởi thế ngày 3/9/1945, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Bác Hồ đã nêu vấn đề giáo dục, chống giặc dốt là nhiệm vụ cấp bách. Ngày 8/9/1945, Người ký ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục đó là sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ; sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”, Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh.
Người kêu gọi đồng bào cả nước tích cực ủng hộ cho những “chiến sỹ trên mặt trận văn hoá” hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, để “trả lời cho thế giới biết nước ta là một nước văn minh ai cũng biết chữ”. Người chỉ rõ trong tình hình hơn 90% nhân dân mù chữ thì nhiệm vụ diệt giặc dốt cũng cấp thiết như diệt giặc đói, giặc ngoại xâm. Bởi vậy, Người thường xuyên theo dõi một cách sâu sát mọi diễn biến của công tác xoá mù chữ trong từng địa phương.
Người đặc biệt quan tâm đến việc học hành của các cháu nhỏ, Người vui vẻ khen ngợi những em nhỏ biết chữ, với những em còn chưa biết chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải học ngay và Người cho gọi một số thanh niên địa phương đến, trao trách nhiệm dạy học cho các em rồi hẹn khi nào Người quay lại thì ai nấy đều phải biết chữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên gửi thư khen các địa phương trong nước có thành tích tốt trong công tác bình dân học vụ. Người đề nghị khi đồng bào đã biết chữ thì phải có sách báo phù hợp với trình độ của đồng bào để họ xem, nếu không sẽ bị mù lại, cũng như phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hoá phổ thông của nhân dân. Người còn đề ra năm nội dung cơ bản cần được đưa vào chương trình giảng dạy gồm: Thường thức vệ sinh để dân đỡ ốm đau; Thường thức khoa học để bớt mê tín nhảm; Bốn phép tính để làm ăn có ngăn nắp; Lịch sử địa dư nước ta để nâng cao lòng yêu nước; Đạo đức công dân để trở thành người công dân đứng đắn”.
Có thể khẳng định, xoá mù chữ là một chủ trương sáng suốt mà Đảng và Hồ Chủ tịch đề ra ngay từ ngày đầu lập quốc. Đó được coi là bước khởi đầu cho việc nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân nhằm đưa đất nước đi lên theo kịp với sự phát triển của các nước tiến bộ khác trên thế giới.
Xóa mù chữ, nâng cao dân trí là một công việc phải làm liên tục, gian nan. Cho đến nay, công tác xoá mù chữ vẫn được duy trì ở những vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước, nơi còn có những người dân chưa biết chữ hoặc tái mù đang phải vật lộn với cuộc sống khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu.
Nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng công cụ giáo dục làm cơ sở để giảm nghèo bền vững, đa chiều, chắc chắn bà con ta sẽ diệt được giặc dốt, xóa mù thông tin, sớm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Minh Vy - Thu Trang