Dù muốn hay không, ông Trump cũng phải theo những khuôn khổ do Hiến pháp đã đặt ra. Hệ thống chính trị Mỹ từ 300 năm trước đã thiết kế những cơ chế để ngăn ngừa ai đó tìm cách đứng trên pháp luật.
Với nhiều người, câu chuyện tại sao một “tòa án địa phương” như Tòa Liên Bang Quận Tây Washington lại có thể ra một phán quyết liên quan đến sắc lệnh “cấm nhập cảnh” của Tổng thống Trump là một điều khó hiểu. Trong thực tế, có ba lý do để giải thích cho vấn đề này, và đều xuất phát từ đặc trưng của hệ thống Nhà nước liên bang Hoa Kỳ.
Dù muốn hay không, ông Trump cũng phải theo những khuôn khổ do Hiến pháp đã đặt ra. |
Thứ nhất, Tòa Quận Tây Washington không phải là một tòa án địa phương cấp thấp như tên gọi. Ở Mỹ tồn tại song song hai hệ thống chính quyền liên bang và tiểu bang với hai hệ thống tòa án riêng lẻ. Đa số các vụ án thông thường sẽ do tòa án tiểu bang giải quyết. Chỉ những vụ án nào có tính chất liên bang (ví dụ, công dân hai bang kiện nhau), hoặc liên quan đến Hiến pháp liên bang thì tòa liên bang mới có thẩm quyền.
Vì mục đích thuận tiện, lãnh thổ nước Mỹ được chia thành nhiều khu vực tài phán khác nhau với tên gọi là “Quận”. Quận ở đây không chỉ địa giới hành chính mà có ý nghĩa về mặt thẩm quyền. Vì là một tòa liên bang nên nó mang quyền lực tư pháp của liên bang, và do đó có thẩm quyền phán xét tính hợp hiến của Sắc lệnh 13769.
Thứ hai, Tòa Quận Tây Washington đại diện cho quyền tư pháp liên bang, kiềm chế và đối trọng với Tổng thống và Quốc hội. Tại sao không phải Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ thụ lý đơn kiện chống Tổng thống Trump?
Câu trả lời là vì quyền lực tư pháp của tòa liên bang là một thể thống nhất. Thẩm phán các Tòa Quận không chịu trách nhiệm trước Tối Cao Pháp Viện mà do chính Tổng thống đề cử để Thượng Viện phê chuẩn – quy trình tương tự như thẩm phán tòa khác. Vị thẩm phán Tòa Quận cũng có uy quyền ngang ngửa một vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Tòa Phúc Thẩm đóng vai trò xử phúc thẩm, còn Tối Cao Pháp Viện là tiếng nói pháp lý sau cùng. Như vậy, cách chia thẩm quyền của hệ thống tòa án liên bang không theo tính chất ai giỏi thì ngồi trên, mà đơn thuần là phân công công việc cho nhau.
Sở dĩ một tòa án Quận dám ra phán quyết bất lợi cho Tổng thống Mỹ như chuyện đang xảy ra với Tổng thống Donald Trump là nhờ sự độc lập của tư pháp. Độc lập ở đây là độc lập về mặt chính trị lẫn pháp lý với Tổng thống và Quốc hội nhằm cân bằng và kiểm soát quyền lực.
Vị thẩm phán sau khi nhậm chức sẽ tuân thủ tuyệt đối lời thề bảo vệ Hiến pháp. Thẩm phán liên bang có nhiệm kỳ suốt đời giúp loại bỏ nỗi sợ của việc tái bổ nhiệm. Lương của thẩm phán liên bang là cố định nên họ không e ngại việc làm ai phật ý. Thẩm phán độc lập và không có cấp trên. Sở dĩ người Mỹ tin tưởng trao đặc quyền đó cho thẩm phán là vì
quyền tư pháp là một quyền thụ động, chỉ khởi phát khi có đơn kiện. Đây là một đặc quyền không có ở các nhánh quyền lực khác.
Nhà Sử học người Anh Lord Acton có câu nói nổi tiếng, “Quyền lực tạo ra tha hóa/Quyền lực càng cao thì tha hóa càng lớn”. Ở Mỹ, quyền lực cao nhất nằm trong bộ văn bản 300 năm tuổi có tên là Hiến pháp chứ không trong tay bất kỳ một nhóm người hay một thiết chế nào.
Tổng thống Trump có lẽ đã rất tức giận khi ông viết trên trang cá nhân rằng rằng phán quyết của “cái gọi là thẩm phán” thật “lố bịch”. Nhưng dù có tức giận đến đâu, chính quyền của ông vẫn phải tuân thủ Hiến pháp. Hiến pháp Hoa Kỳ, là văn bản mà cách nay chưa đầy một tháng ông đã long trọng thề trung thành và bảo vệ trước toàn thể nhân dân.
Những diễn biến trên chính trường nước Mỹ hiện nay là một minh chứng cho thấy Hiến pháp Mỹ đã tạo nên một vị tổng thống đầy quyền lực, đồng thời cũng cân bằng quyền lực này bằng những vị thẩm phán độc lập để đảm bảo rằng không một ai có thể đứng trên hiến pháp để có thể thao túng đất nước được. Đây chính là con đường để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại như cam kết của Tổng thống Donald Trump.
Lê Nguyễn Duy Hậu