Đã đến lúc không phải nhân tài tìm đến người đứng đầu mà chính người đứng đầu phải đi tìm nhân tài để phụng sự cho quá trình phát triển đất nước…
Lịch sử nhân loại cho thấy, nhân tài luôn là nhân tố quyết định sự thành bại của các quốc gia. Tổ tiên ta đã khắc sâu trên bia Văn Miếu, Hà Nội triết lý về nhân tài: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.
Bởi vậy, các đấng thánh đế minh vương, chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí là việc đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh “dựng nước lấy việc học làm đầu; muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”.
Vị vua anh minh Lê Thánh Tông đã từng nói: “Người có đức, có tài nhậm chức thì trị. Người vô tài, thất đức nắm giữ quyền hành thì loạn”.
Bác Hồ cũng từng nói: “Kiến thiết cần có nhân tài...”.
Người xưa dụng nhân tài
Năm 1070, Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu Quốc Tử giám là trường đại học đầu tiên - coi giáo dục, đào tạo là gốc rễ tạo ra nhân tài. Các triều đại đều có các quy định về tôn vinh, thăng thưởng, dưỡng liêm… để tạo động lực cho nhân tài cống hiến; có chế độ “Hồi tỵ” để ngăn chặn việc nâng đỡ người có quan hệ dòng họ, gia đình...
Trong tuyển chọn nhân tài, người xưa thường cầu hiền, tiến cử, tự tiến cử, thi cử. Trong đó, cầu hiền là mời gọi nhân tài như Vua Quang Trung 5 lần mời Nguyễn Thiếp (La Sơn phu tử); tiến cử là giới thiệu với Vua để trọng dụng; tự tiến cử là tự mình tìm đến Vua để tự giới thiệu và trình bày kế sách (như Nguyễn Trãi đến gặp Lê Lợi); thi cử là tổ chức kỳ thi tuyển chọn người tài.
Người xưa tuyển nhân tài không câu nệ về tuổi tác, học vị và lý lịch xuất thân. Như Đào Duy Từ, không được triều đình Lê - Trịnh trọng dụng do lý lịch xuất thân đã vào đàng Trong, được quan khám lý Trần Đức Hòa tiến cử lên chúa Nguyễn, trở thành quân sư giúp chúa Nguyễn giữ vững, phát triển cơ nghiệp đàng Trong.
Ngày xưa, có tài, có đức là được trọng dụng và khi sai phạm thì giáng chức, cách chức nhưng không bị định kiến, có thể vẫn được trọng dụng, dùng lại. Như Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư có lỗi bị mất chức phải làm người đốt than, buôn bán trên sông nhưng khi đất nước cần vẫn được phục chức cầm quân, lập nhiều công lớn.
Năm 1946, Tổng tuyển cử, chúng ta đã lập ra Quốc hội đầu tiên, bầu Chính phủ với thành viên ở các tầng lớp khác nhau, không kể tuổi tác. Nhiều người có tài, tuổi cao vẫn được Bác Hồ thu phục, trọng dụng với tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ”, có các cụ là quan chức trước kia như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe…; là chức sắc tôn giáo như Phạm Bá Trực, Cao Triệu Phát; là nhân sĩ trí thức như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tạ Quang Bửu...
Chính sách nhân tài thời nay
Khi đàm đạo, chúng ta hay nói người này giỏi, người kia tài nhưng ít khi bàn đến thế nào là nhân tài? Pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức đều quy định “người có tài năng” nhưng chưa giải thích và có các chính sách cụ thể. Do đó, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nhân tài là người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, năng lực vượt trội; sáng tạo các công trình, sản phẩm mang lại hiệu quả, thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển.
Theo đó, có 3 tiêu chí xác định nhân tài là “có Đức, có Tài và có Sản phẩm” thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển. Nếu chỉ có đạo đức, trình độ, bằng cấp nhưng nếu không làm được gì hiệu quả, thúc đẩy tiến bộ, phát triển thì chẳng có ý nghĩa gì và không thể công nhận đó là nhân tài. Nói phải đi đôi với làm và phải làm được. Đây mới là chân giá trị của nhân tài!
Thực hiện chủ trương của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài, ngày 31/7/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là một điểm nhấn, một nét chấm phá rất quan trọng về chính sách nhân tài trong năm 2023.
Trong đó, đã xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và 11 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện “Chiến lược quốc gia về nhân tài”.
Điểm mới, quan trọng có tính đột phá về tư duy trong chiến lược quốc gia về nhân tài là việc thu hút, trọng dụng nhân tài được mở rộng, không phụ thuộc vào độ tuổi, thâm niên, bằng cấp, thời gian công tác... Đây là những yếu tố không nói lên điều gì đối với người có thực tài, làm hạn chế tầm nhìn, che mờ sự sáng suốt trong lựa chọn, bỏ sót nhân tài.
Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý nữa là người Việt Nam trong nước hay ở nước ngoài có tài năng đều được thu hút, trọng dụng.
Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 96/132 quốc gia trong bảng xếp hạng về Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI).
Năm 2021, chỉ số GTCI trung bình của Việt Nam đạt ở vị trí số 84/113 quốc gia. Trong nhóm 36 quốc gia có thu nhập trung bình thấp trên thế giới, Việt Nam thuộc 10 quốc gia dẫn đầu về chỉ số GTCI toàn cầu nhưng không thuộc 10 quốc gia có xếp hạng cao về Chỉ số “Thu hút nhân tài”,“Giữ chân nhân tài”.
Chính sách nhân tài thành công nghĩa là những người có tài năng đều được thu hút, trọng dụng và tạo nên động lực thúc đẩy tiến bộ, phát triển. Trong mỗi tổ chức, việc bố trí công việc đều thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Nhân tài nếu không được bố trí đúng, phù hợp thì sẽ mất động lực làm việc.
Do đó, nhân tố quyết định thành công của chính sách nhân tài chính là những người lãnh đạo. Trọng dụng và dùng được người giỏi hơn mình về chuyên môn mới là điểm xuất sắc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Thu hút về nhưng không trọng dụng thì nhân tài nào rồi cũng ra đi, không “giữ chân” được. Còn nếu biết và dám trọng dụng nhân tài thì lại chính là sức thu hút các nhân tài khác tìm đến với mình.
Đã đến lúc không phải nhân tài tìm đến người đứng đầu mà chính người đứng đầu phải đi tìm nhân tài để về phụng sự cho quá trình phát triển đất nước.
Tại nhiều nước, vấn đề nhân tài được xem là một chiến lược quốc gia, là động lực của sự phát triển. Giáo dục, đào tạo được coi là nền tảng, gốc rễ nảy sinh nhân tài. Năm 1997 Tổng thống Mỹ đọc thông điệp Liên bang đã đề cập nhiều đến phát triển giáo dục và mục tiêu học tập suốt đời.
Nhiều nước quy định quan chức và công chức cao cấp đều phải có bằng Tiến sĩ. Tuy nhiên, tỷ lệ được nhận bằng Tiến sĩ chỉ chiếm 57% tổng số nghiên cứu sinh - cho thấy họ chú trọng chất lượng. Các trường đại học hàng đầu của nhiều quốc gia đều coi đào tạo nhân tài là mục tiêu ưu tiên ở các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; khoa học cơ bản; khoa học công nghệ; kinh doanh.
Trung Quốc có “Chiến lược Nhân tài cường quốc” để chấn hưng đất nước- với chính sách tiền lương không trả theo bằng cấp, thâm niên mà gắn với vị trí việc làm, hiệu quả công việc và theo thị trường.
Một số quốc gia ở Đông Á, Đông Nam Á có những phát triển vượt bậc đều coi chiến lược nhân tài là một quốc sách. Đào tạo nhân tài được thực hiện có chất lượng và được luật hóa. Vào đại học thì dễ nhưng được tốt nghiệp là khó. Việc tuyển chọn nhân tài cũng không kể tuổi tác, bằng cấp, … mà chỉ dựa vào tài năng.