VietNamNet có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Hoàng Huệ Anh, Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về yếu tố con người đặc biệt là người tài với vai trò quyết định trong quá trình hiện thực hóa khát vọng quốc gia.
Căn tính quốc gia
Khi chúng ta đã rõ đường hướng phát triển thì cần những yếu tố nào để có thể hiện thực hóa được khát vọng quốc gia phát triển vào năm 2045?
TS Hoàng Huệ Anh: Tôi nghĩ về 2 nhân tố có thể thúc đẩy sự phát triển quốc gia để hiện thực hóa khát vọng đề ra. Trước hết là con người. Tôi nhớ một học giả nổi tiếng nói về các căn tính quốc gia và hiểu đơn giản là tính cách của con người quốc gia ấy.
Tính cách con người Việt Nam tiêu biểu là cần cù, chịu khó, dũng cảm, kiên cường và tất cả những đặc tính đó đều đóng góp giá trị rất lớn vào quá trình hiện thực hóa khát vọng quốc gia mà chúng ta đề ra.
Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng. Chúng ta nhiều người trẻ, với nhiều ước mơ khát vọng và chấp nhận sự thay đổi để thực hiện ước mơ, khát vọng đó. Nguồn lực con người là yếu tố mang tính chất quyết định cho quá trình phát triển thịnh vượng của các quốc gia.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến yếu tố động lực quốc tế trong quá trình hiện thực hóa khát vọng. Chúng ta có thể tận dụng các “chuyến tàu nhanh” của những nước phát triển để phát huy ưu thế của nước phát triển sau và tận dụng cơ hội có được từ quá trình toàn cầu hóa…
Nhưng hiện nay để thực hiện khát vọng phát triển, hùng cường và hạnh phúc, chúng ta cần cho đi nhiều hơn. Chúng ta có thể hỗ trợ các quốc gia khác hoặc đưa sự sáng tạo của mình vào các cơ chế khu vực và toàn cầu. Chúng ta cũng có thể thể hiện tầm nhìn trong cơ chế quản trị toàn cầu bằng việc đề cao luật pháp quốc tế và bảo vệ sự ổn định của hệ thống quốc tế.
Khi chúng ta đã xác định được mục tiêu và khát vọng, phải thể chế hóa thành các các điều lệ trong văn bản và quy định và hiện thực hóa bằng nhiều phương thức.
Theo TS Nguyễn Văn Đáng thế nào là người tài và làm thế nào để có thể thu hút được người tài đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước?
TS Nguyễn Văn Đáng: Sự phát triển của bất kỳ một đơn vị nào hay là trên quy mô quốc gia dân tộc không thể thiếu vai trò của những người có năng lực. Định nghĩa thế nào là người tài thì có nhiều tranh cãi. Có quan điểm nhấn mạnh yếu tố đầu vào tức là phẩm chất ban đầu như quá trình đào tạo, quá trình phấn đấu; có người lại đề cao khía cạnh đầu ra tức là kết quả công việc như thế nào...
Theo tôi định nghĩa phù hợp nhất là phải trung hòa được cả hai cách tiếp cận. Tôi cho rằng, người tài là người có thể thực hiện tốt nhất vai trò mình, nghĩa là chúng ta phải gắn người tài với các vai trò khác nhau.
Hiểu một cách ngắn gọn nhất thì người tài là người có thể giúp cho đơn vị, tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình tốt nhất và đáp ứng kỳ vọng ở phía mình.
Nhìn ra các nước xung quanh sẽ nhận thấy vai trò người tài trong sự phát triển hùng cường. Ví dụ Nhật Bản là lực lượng lãnh đạo hành chính mà gốc gác là tầng lớp Samurai. Hay Singapore với việc xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, trong sạch, hiệu quả, hiệu lực. Một trong số các yếu tố dẫn đến sự thành công của Singapore chính là họ đã áp dụng hệ thống thể chế trọng dụng người tài vào khu vực công.
Mô hình bên Hàn Quốc cũng được ghi nhận có các yếu tố của thể chế trọng người tài khi họ thu hút, xây dựng được cán bộ chính quyền chất lượng, từ đó chung tay với tầng lớp doanh nhân và các lực lượng xã hội khác để hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo…
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu hút được người tài? Tôi cho rằng nó phụ thuộc vào hệ thống chính sách của Nhà nước. Bên cạnh quan điểm chủ trương và chính sách thì quan trọng nhất là phải xây dựng được hệ thống thể chế trọng dụng người tài. Có thể hiểu cách đơn giản, nó là một tập các quy trình bao gồm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, thăng tiến… dựa trên cạnh tranh năng lực.
Trao quyền để người tài cống hiến
TS Hoàng Huệ Anh: Tôi muốn đề cập đến một yếu tố cụ thể là để thu hút được người tài thì đầu tiên phải tin vào họ, trao quyền cho họ, để họ cống hiến. Trong thế giới ngày càng phẳng hơn, khi biên giới quốc gia mờ đi, rất nhiều công việc mang tính toàn cầu xuất hiện, thì cũng kéo theo hệ lụy là chảy máu chất xám ngay trong lãnh thổ của chúng ta.
Tôi lấy thí dụ, những năm gần đây Trung Quốc có những chính sách đãi ngộ rất tốt kể cả cho người nước ngoài có năng lực để làm việc và cống hiến tại nước này. Tôi biết có những chyên gia người Mỹ từng giảng dạy ở trường đại học Trung Quốc suốt 30 năm.
Hai vị đều là những người trẻ, có cơ hội học tập giảng dạy, làm việc ở những nước phát triển nhưng cả hai đã trở về nước, giảng dạy, nghiên cứu… Hai vị nghĩ như thế nào về sự cống hiến và mong muốn được cống hiến cho đất nước?
TS Nguyễn Văn Đáng: Điểm chung của các du học sinh là đều mong muốn quay trở lại đất nước sau khi học xong, để làm việc và đền đáp những cơ hội và nguồn lực mà đất nước đã dành cho. Khát vọng cống hiến luôn thường trực trong họ, nhưng làm thế nào để phát huy và hỗ trợ những người như thế còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà chúng ta hay nói là thu hút người tài.
Ta nói đến chế độ đãi ngộ, đúng nhưng chưa đủ. Cùng với đó phải là môi trường làm việc tôn trọng, tin tưởng người có năng lực, đề cao sự sáng tạo, giúp phát triển những ý tưởng mới để những nỗ lực khát khao cống hiến được chuyển hóa thành hành động cụ thể. Các hình thức tôn vinh, ghi nhận cũng phải kịp thời, giúp cho cá nhân có được niềm tự hào thì từ đó họ sẽ gắn bó.
Khi trở về đất nước, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội để cống hiến tức là làm được cái gì đó đóng góp cho cộng đồng chứ không phải chỉ đơn giản kiếm sống.
TS Hoàng Huệ Anh: Tôi có 17 năm học tập, sinh sống, giảng dạy và làm việc tại Trung Quốc và vẫn quyết định trở về Việt Nam. Ước mơ về sự cống hiến cho đất nước đã thôi thúc tôi.
Hơn nữa vào năm 2015 khi tôi quyết định trở về Việt Nam thì đất nước đã phát triển rất sôi động, độ mở cao và mang đến cho chúng tôi - những người được đào tạo ở nước ngoài cảm giác có thể phát huy được năng lực và khả năng của mình. Môi trường làm việc cũng rất cởi mở, thúc đẩy tính sáng tạo và điều đó vừa là động lực vừa là sự hứa hẹn cho những thành công mà chúng tôi có thể đạt được trong tương lai.
Đại bộ phận những người đi du học như chúng tôi vẫn mong muốn được quay trở về cống hiến cho Tổ quốc, cho quê hương, để đền đáp những gì mà chúng tôi đã trao gửi và tin tưởng. Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định trở về Việt Nam cống hiến.
Thu hút người tài
TS Nguyễn Văn Đáng nghĩ sao về chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước ta hiện nay trong vấn đề thu hút người tài, trọng dụng người tài?
Chủ trương của Đảng luôn nhất quán trong việc tìm mọi cách để thu hút người tài. Nhiều địa phương cũng đã ban hành các chính sách cụ thể để thu hút người tài đặc biệt là trong đó nhấn mạnh đến chế độ đãi ngộ với những ưu đãi về tài chính vật chất nổi bật.
Tuy nhiên phải khách quan thừa nhận rằng, hiện nay các chính sách thu hút và trọng dụng người tài vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong đợi về số lượng người tài tham gia vào khu vực công để góp phần vào phát triển đất nước.
Chúng ta cần tìm hiểu yếu tố nào khiến người tài chưa thực sự hứng thú với khu vực công để từ đó tìm cách gỡ bỏ các rào cản. Như tôi đã trao đổi thì bên cạnh chế độ đãi ngộ về mặt tài chính, vật chất thì điểm quan trọng nhất để người ta thực sự quan tâm và hướng đến làm việc cho khu vực công đó là hệ thống thể chế trọng người tài.