Đã có nhiều sự kiện, bằng chứng được ghi nhận trong sách vở Trung Hoa và Việt Nam chứng tỏ cương giới cực nam của Trung Hoa đến đầu thế kỷ XX chỉ ở bờ biển phía nam đảo Hải Nam. Các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa không thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Trong thời gian đó, nhà nước phong kiến Việt Nam đã làm chủ thực sự và tổ chức đội Hoàng Sa đi khai thác hai quần đảo của mình từ thế kỷ XVI.

Điều này càng cho thấy mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là ngang ngược, bất chấp những giá trị có tính lịch sử mà họ thường rêu rao qua những chứng lý giả tạo để đánh lừa dư luận.

Biên giới Trung Quốc chỉ đến Hải Nam

Cho đến đời Hán (206 trước Công nguyên), đảo Hải Nam do người Lê (hay Ly), một tộc Việt trong Bách Việt, làm chủ nhưng bị người Trung Hoa ở Quảng Đông chinh phục. Đây có thể coi là bước đầu tiến xuống Biển Đông của những triều đại Trung Hoa. Các chính quyền phong kiến kế tiếp nhau đưa người Hoa đến định cư ở vùng ven bờ đảo Hải Nam, dồn người Lê vào vùng rừng núi ở sâu bên trong đảo. Không cam chịu cảnh áp bức bóc lột, các bộ lạc người Lê vùng lên khởi nghĩa nhưng bị đàn áp dữ dội nên đều thất bại. Một điều đáng chú ý là ở đảo Hải Nam có dân Lê (Ly) thì ở Thanh Hóa cũng có dân Ly. Năm 1905, ông E. Brerault khảo sát đảo Hải Nam thấy có "người Việt ở bờ biển phía nam đảo Hải Nam". Đó chính là người Lê (Ly) ở ven biển.

Trong vòng 19 thế kỷ tiếp theo, các chính quyền phong kiến Trung Quốc tiếp tục cho di dân đến và áp dụng chính sách đồng hóa để biến Hải Nam thành lãnh thổ của mình.

Thế nhưng sự cách biệt với nền văn hóa lục địa, nạn cướp biển ven bờ, bệnh sốt rét ác tính cùng với sự nổi dậy thường xuyên của các bộ lạc bản xứ đã ngăn cản chính quyền Trung Hoa đưa dân đến đây định cư với quy mô lớn. Hơn nữa, khí hậu nhiệt đới khác xa với đại lục, không thích hợp với kinh tế của người Hoa cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế trên đảo chậm phát triển và người Hoa không muốn định cư ở đây. Những nguyên nhân khách quan này cản trở chính sách tiến xuống Biển Đông của các triều đại Trung Hoa. Vì vậy, đến những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các chính quyền Trung Hoa đều coi lãnh thổ của mình chỉ bao gồm từ đảo Hải Nam trở lên phía bắc.

Ảnh TTXVN

Trong cuốn Phủ biên Tạp lục do nhà bác học Lê Quý Đôn viết năm 1776 đã ghi lại một sự việc rất quan trọng về mặt sử liệu: Năm 1754, thuyền của đội Hoàng Sa do Chúa Nguyễn phái ra khai thác Hoàng Sa bị đứt dây neo, trôi dạt vào cảng Thanh Lan thuộc đảo Hải Nam. Các quan sở tại đã tra xét những người ở trên thuyền, khi biết là người của đội Hoàng Sa của Việt Nam, đã chu cấp tiền, gạo cho về quê mà không hề phản đối gì. Chúa Nguyễn sau đó đã sai người viết thư cảm ơn.

Có thể dẫn chứng thêm qua nhiều sách báo phương Tây ghi lại sự kiện khoảng năm 1895, 1896 tàu Bellona của Đức và tàu Ymedi Maru của Nhật chở hàng cho Anh bị đắm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam 140 hải lý về phía nam. Người Trung Hoa ở đảo Hải Nam đã ra lấy trộm đồng trên tàu. Lãnh sự Anh ở Hải Nam phản đối với nhà đương cục Trung Hoa và nhận câu trả lời rằng Hoàng Sa không thuộc Trung Hoa do đó nước này không có trách nhiệm gì ở đấy.

Không những thế, hàng loạt tài liệu, bản đồ chính thức và bán chính thức của Trung Hoa cho đến đầu thế kỷ XX đều chỉ vẽ lãnh thổ Trung Hoa đến đảo Hải Nam. "Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ" (xuất bản năm 1894), "Đại Thanh đế quốc toàn đồ" (xuất bản 1905, tái bản 1910) đều thể hiện rõ ràng điểm cực nam của Trung Hoa ở bờ nam đảo Hải Nam, đồng thời quyển Trung Quốc Địa lý Giáo khoa thư (xuất bản 1906) ghi rõ: Điểm cực nam Trung Hoa là Châu Nhai, Quỳnh Châu (tức Hải Nam). Sợ không chính xác, cuốn sách này còn nói rõ thêm: điểm cực nam đó ở vĩ tuyến 18º13' bắc.

Từ năm 1909, Trung Hoa mới bộc lộ tham vọng trên Biển Đông. Theo lệnh Tổng đốc Lưỡng Quảng, Đô đốc Lý Chuẩn đem một số pháo thuyền nhỏ đến một vài đảo của Hoàng Sa dù khi đó quần đảo này đã do Việt Nam làm chủ, bắn vài phát súng rồi vội vã rút lui. Có thể nói mưu đồ bá quyền của Trung Hoa bắt đầu lộ rõ trong Công hàm ngày 29-9-1932 của đại diện Trung Hoa Dân Quốc tại Paris gửi Chính phủ Pháp nêu yêu sách rất vô lý về quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa): "Tây Sa là bộ phận lãnh thổ cực nam của Trung Hoa". Mặc dù ngang ngược như vậy nhưng với công hàm này, người Trung Hoa vẫn chưa hề yêu sách đối với Trường Sa.

Những dữ kiện nói trên càng chứng tỏ lập luận "Trung Quốc có chủ quyền từ lâu đời" trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không có cơ sở.

Năm 1956, lợi dụng quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Sài Gòn chưa kịp ra thay thế ở Hoàng Sa, Trung Quốc bí mật đưa quân đổ bộ, chiếm đóng đảo Phú Lâm và Lincoln thuộc nhóm phía đông của quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 1-1974, sau khi ký Thông cáo chung Thượng Hải và với sự làm ngơ của Mỹ, Trung Quốc huy động lực lượng kết hợp hải quân, không quân đánh chiếm nhóm phía tây của Hoàng Sa.

Đường lưỡi bò: sự hoang tưởng

Sự kiện gây quan ngại nhiều nhất chính là việc ngày 7-5-2009 Trung Quốc chính thức yêu cầu Liên Hiệp Quốc lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên tấm bản đồ thể hiện đường lưỡi bò (còn gọi là đường chữ U hay đường đứt khúc chín đoạn) trên Biển Đông, yêu sách không chỉ các đảo, đá mà toàn bộ vùng biển trong đó.

Đường lưỡi bò bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của Biển Đông, chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia,  Indonesia và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 5%.

Chỉ một ngày sau đó, Việt Nam, Malaysia và sau đó là Indonesia đã lập tức lên tiếng phản đối và bác bỏ. Tiếp theo, ngày
5-4-2011 Philippines gửi thư ngoại giao lên  Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông đồng thời cho rằng tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc là "không có căn cứ theo luật quốc tế".

Thực tế, theo các tác giả Trung Quốc, đường lưỡi bò lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ các đảo trong Biển Đông The Location Map of the South China Sea Islands do Fu Jiaojin, Wang Xiguang biên soạn và được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân Quốc xuất bản vào năm 1947.

Một số người khác còn cố đẩy thời gian xuất xứ của con đường này xa hơn nhằm mục đích giải thích có lợi cho Trung Quốc. Họ cho rằng đường này do một người tên là Hu Jinjie vẽ từ năm 1914 và đến tháng 12-1947, một viên chức người Trung Hoa tên là Bai Meichu vẽ lại đường này trong một bản đồ cá nhân để thể hiện cảm xúc của mình khi nghe tin về việc Pháp chiếm đóng các đảo Trường Sa năm 1933. Tuy nhiên, các tác giả Trung Quốc cũng phải khách quan thừa nhận "không rõ khi vẽ đường này Bai Meichu có đủ hiểu biết và kiến thức về luật biển quốc tế đương đại hay không?".

Ngoài ra, Daniel Schaeffer - nguyên tùy viên quân sự Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan - trong "Biển Nam Trung Hoa: Những điều hoang tưởng và sự thật của đường lưỡi bò" và các nhà nghiên cứu nước ngoài khác cũng đều khẳng định rằng bản đồ đường lưỡi bò này xuất hiện trong một tập bản đồ tư nhân, chứ không phải của Nhà nước.

Học giả Trung Quốc thừa nhận đường lưỡi bò không có căn cứ pháp lý

Nhiều học giả Trung Quốc đã đặt lại vấn đề về cái gọi là "đường lưỡi bò" và cách hành xử của Trung Quốc.

Tại hội thảo liên quan đến tranh chấp Biển Đông ngày 14-6-2012 do Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử
Sina.com tổ chức, nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Tin tức Hải dương Trung Quốc, nói rằng "Chúng ta vẽ đường chín đoạn mà không có một kinh độ hoặc vĩ độ cụ thể, và cũng không có căn cứ pháp luật... Đường lưỡi bò (chiếm gần 80% Biển Đông) là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1974".

Giáo sư Hà Quang Hộ, Học viện triết học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc phê phán: "Là con người phải biết giữ nhân tình. Chúng ta đều là người, không phải là dã thú sống trong rừng rậm. Trong quan hệ giữa người với người, không chỉ biết yêu bản thân mà nhất định phải tính cả đến lợi ích của người khác... Nếu ý nghĩa của cái gọi là đường chín đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Nam Hải (tức Biển Đông) được vẽ thành "biển nhà" của Trung Quốc như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận, và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người dựa vào nhau để tồn tại. Chúng ta muốn sống thì cũng phải để người khác sống chứ".

Còn Giáo sư Trương Thự Quang, Đại học Tứ Xuyên, thì nhấn mạnh không thể tự vẽ ra đường lưỡi bò: "Quyền lợi của Trung Quốc cần được người khác thừa nhận, người khác không thừa nhận thì Trung Quốc không có quyền".

Giáo sư Trương Kỳ Phạm, Học viện Pháp luật - Đại học Bắc Kinh, tỏ ra gay gắt hơn khi nói thẳng: "Tôi rất không đồng tình với kiểu hành xử chính trị quốc tế theo luật rừng. Cần giải quyết theo luật quốc tế và theo Luật Biển".

Còn nhớ, hồi tháng 11 năm ngoái, tại một hội thảo diễn ra tại Washington (Mỹ) do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức với sự tham dự của hơn 150 học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo đến từ nhiều nước, các học giả và chuyên gia quốc tế đã phản bác các lập luận của Trung Quốc về chủ quyền đường lưỡi bò trên Biển Đông.

Bà Caitlyn Antrim - Giám đốc Ủy ban Pháp quyền đại dương của Mỹ - khẳng định, tuyên bố đường lưỡi bò không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ. Bà Antrim nói: "Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường lưỡi bò đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu, thậm chí không có giá trị theo luật pháp quốc tế".

Những chứng cứ trên đây chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số tư liệu lịch sử vạch trần tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này giải thích tại sao Trung Quốc luôn né tránh đem vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra phân xử trước các định chế quốc tế.

Theo Nguyễn Nam/ DNSG cuối tuần