Theo nguồn tin của Thời báo Phố Wall, không phải các nhà mạng mà chính các công ty quảng cáo di động đã chuyển tiếp thông tin từ người dùng đến nhà chức trách. Đây là một phần trong nỗ lực xây dựng cổng giám sát dịch bệnh Covid-19 của quốc gia, sử dụng dữ liệu địa lý từ khoảng 500 thành phố.
Các nhà chức trách cho rằng thông tin này – đã được ẩn danh và tổng hợp – có thể giúp họ điều chỉnh hành động trước sự lây lan của virus cũng như lập bản đồ tác động kinh tế của dịch bệnh thông qua các biến số như số km một người đã di chuyển hay số cửa hàng họ đã ghé thăm.
Nó cũng giúp nhà chức trách biết được mọi người có tuân thủ quy định cách biệt cộng đồng của CDC hay yêu cầu ở trong nhà của chính phủ hay không. Theo Thời báo Phố Wall, trong một trường hợp, các nhà nghiên cứu đã liên lạc với cảnh sát sau khi xác định các nhóm đông người tại New York vẫn đang có mặt tại công viên Prospect, Brooklyn bất chấp cảnh báo.
Chính phủ vẫn chưa yêu cầu metadata từ các nhà mạng, có thể bởi vì họ đang tìm kiếm loại thông tin khác. Theo Washington Post, nhà chức trách đang “tích cực thảo luận” với Facebook, Google và các hãng công nghệ về dữ liệu ẩn danh, tổng hợp để theo dõi người dùng có làm theo chỉ thị hay không.
Trên toàn cầu, nhiều nước đã thi hành các biện pháp giám sát tương tự để đối phó với dịch Covid-19. Theo Reuters, các công ty viễn thông tại Italy, Đức và Áo cho biết đã chia sẻ dữ liệu địa lý của người dùng với nhà chức trách. Tuần trước, Ủy viên EU Thierry Breton gây áp lực lên các nhà mạng lớn nhất khu vực chia sẻ metadata ẩn danh từ điện thoại khách hàng nhằm theo dõi sự lây lan của virus và dùng thông tin đó để phân phối vật tư y tế.
Tại Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, chính phủ còn dùng metadata tổng hợp được để thi hành lệnh cách ly cũng như xác định được người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19. Trung Quốc phối hợp với Alibaba và Tencent để triển khai mã màu QR gắn với số chứng minh nhân dân. Mã màu sẽ quyết định khả năng đi lại của một người, căn cứ vào điều tra dịch tễ.