Cuối ngày 1/7, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố 89 mặt hàng xuất xứ EU dự kiến có thể phải chịu mức thuế cao hơn khi nhập khẩu vào thị trường nước này, bao gồm cả thịt, pho mát, mì ống, trái cây, cà phê và rượu. Trước đó, hồi tháng 4, USTR từng tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với một danh sách hàng hóa EU có tổng trị giá ước tính khoảng 21 tỉ USD.
Theo CNN, đe dọa áp thuế thêm nhiều hàng hóa châu Âu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí khôi phục đàm phán về một thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, chính quyền của ông sẽ tạm ngưng áp thuế nhập khẩu mới chống Trung Quốc.
Giới quan sát cho biết, động thái mới của Chính phủ Mỹ nhằm trả đũa EU liên quan đến những tranh cãi giữa hai bên về việc trợ cấp cho hai tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và Airbus kể từ năm 2004.
USTR cáo buộc, việc EU trợ cấp cho Airbus khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại tới gần 11 tỉ USD mỗi năm. Cuộc điều tra của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phát hiện, các khoản trợ cấp của EU đã vi phạm những quy tắc thương mại quốc tế. Tuy nhiên, WTO đồng thời kết luận Washington cũng có các hoạt động trợ cấp tương tự và 1/3 trong số chúng là trái phép, theo hãng thông tấn France 24.
Các đề xuất đánh thuế của USTR hiện bắt đầu được đưa ra trưng cầu dân ý ở Mỹ. WTO dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về chúng vào cuối mùa hè năm nay.
Diễn biến mới nhất đang thổi bùng các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và EU. Chính quyền ông Trump đã tăng thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ EU, trong khi liên minh này đáp trả bằng đòn thuế nhắm vào hơn 3 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Mới đây, ông Trump đã đe dọa đánh thuế nhập khẩu tới 25% đối với các xe hơi xuất xứ châu Âu, một động thái được tin có thể tác động mạnh đến Đức và Pháp.
Thương mại hai chiều Mỹ - EU hiện ước đạt hơn 1.000 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, châu Âu xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn so với chiều ngược lại.
Tuấn Anh