Máy bay Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Máy bay Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Hãng RT và trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin, trong một tuyên bố đưa ra hôm 21/11, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, nhiều đối thủ ngang hàng hạt nhân đang thách thức an ninh Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia đó đang phát triển, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và ưu tiên vai trò của vũ khí hạt hân trong các chiến lược an ninh quốc gia của họ. 

Trước tình hình môi trường an ninh thay đổi như vậy, ông Richard Johnson - phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách hạt nhân và chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho biết, Mỹ có thể cần phải điều chỉnh Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022 để duy trì khả năng răn đe hạt nhân. Theo ông Johnson việc này là cần thiết khi xét tới năng lực hạt nhân được tăng cường của Trung Quốc và Nga và khả năng thiếu các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân sau tháng 2/2025. 

Tuy nhiên, quan chức này lưu ý nỗ lực hiện đại hóa hạt nhân, dù cần thiết nhưng có thể vẫn chưa đủ. Theo ông, để giải quyết những lo ngại đó, Lầu Năm Góc đã thực hiện các bước để triển khai năng lực nhằm tăng cường khả năng răn đe và tính linh hoạt của hạt nhân, giảm thiểu rủi ro cho chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Bộ Quốc phòng. Những điều này bao gồm phát triển bom trọng lực B61-13 và tăng cường khả năng sẵn sàng của tàu ngầm lớp Ohio được trang bị vũ khí hạt nhân và chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Lầu Năm Góc đã công bố việc phát triển một biến thể mới của bom B61 vào tháng 10/2023, cho biết nó sẽ thay thế một số phiên bản cũ hơn và cung cấp cho Mỹ "các lựa chọn bổ sung chống lại một số mục tiêu quân sự". Trong khi đó, Washington nhấn mạnh rằng việc triển khai B61-13 "không phải để ứng phó với bất kỳ sự kiện hiện tại cụ thể nào" và sẽ không làm tăng tổng kho vũ khí hạt nhân.

Tàu ngầm lớp Ohio là yếu tố chính của bộ ba hạt nhân Mỹ và được thiết kế riêng cho mục đích răn đe hạt nhân. Tàu ngầm này có thể được trang bị tên lửa Trident có tầm bắn lên tới 12.000km.

Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ phát biểu như vậy sau khi Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt những thay đổi của học thuyết hạt nhân của Nga vào ngày 19/11.