Theo AP, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 19/11 đồng ý cho những người từ 18 tuổi trở lên đã hoàn thành tiêm chủng được chọn tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin Moderna hoặc Pfizer/BioNTech tối thiểu 6 tháng sau mũi tiêm gần nhất.
Những người đã chủng ngừa bằng vắc xin Covid-19 đơn liều của Johnson & Johnson được phép tiêm mũi nhắc lại 2 tháng sau lần tiêm đầu tiên.
Ảnh: AP |
Nhà chức trách Mỹ cũng cho phép người dân tiêm trộn vắc xin của bất kỳ nhà sản xuất nào ở mũi bổ sung.
Quyền ủy viên FDA Janet Woodcock cho biết, quyết định trên nhằm củng cố "tấm khiên" phòng chống virus cho người dân trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục hoành hành và lượng kháng thể sinh ra sau khi tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Bà Woodcock nói, tiêm mũi vắc xin tăng cường là cách tốt nhất để giúp mọi người tránh phải nhập viện hoặc tử vong vì mầm bệnh nguy hiểm.
Các chuyên gia cho biết, liều vắc xin tăng cường của Pfizer là 30 microgam, tương đương một liều tiêu chuẩn. Song, vắc xin liều tăng cường của Moderna là 50 microgam, chỉ bằng 50% liều tiêu chuẩn.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 48,5 triệu ca mắc, 790.703 bệnh nhân không qua khỏi. 59% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 9,8% được tiêm mũi vắc xin tăng cường.
Lào cấp phép sản xuất thử thuốc hỗ trợ điều trị trong nước
Bộ Y tế Lào hôm 19/11 đã cấp phép cho Công ty dược phẩm nhà nước số 3 sản xuất molnupiravir, một loại thuốc viên uống được đánh giá tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19. Động thái nhằm tăng cường quốc chiến chống dịch của nước này.
Reuters đưa tin, quá trình sản xuất và thử nghiệm điều trị bằng molnupiravir sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo kế hoạch, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 12 năm nay với số lượng đủ điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân.
Một đại diện của Công ty dược phẩm nhà nước số 3 cho biết thêm, chương trình điều trị thí điểm bằng molnupiravir sẽ nhắm vào những người trưởng thành từ 18 - 65 tuổi, có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình hoặc đang ở giai đoạn đầu của bệnh, không bị viêm phổi hoặc thiếu oxy. Mỗi bệnh nhân sẽ được kê dùng một liệu trình kéo dài 5 ngày để đánh giá hiệu quả của thuốc trong điều trị thực tế.
Dù số ca mắc mới ở Lào có chiều hướng giảm nhưng trong vòng 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này vẫn ghi nhận thêm 1.097 ca và 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên con số gần 60.000 người, bao gồm 119 ca thiệt mạng. Theo thống kê của New York Times, 45% dân số toàn quốc được tiêm ít nhất một liều vắc xin và 39% đã tiêm đủ liều.
Bệnh viện Hàn Lan cắt giảm phẫu thuật vì tăng ca mắc mới
Các bệnh viện ở Hà Lan đã bắt đầu trì hoãn một số hoạt động nhất định, kể cả giảm các ca phẫu thuật, để giải phóng thêm giường điều trị tích cực (ICU) giữa làn sóng lây nhiễm kỷ lục. Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận thêm 21.026 ca mắc mới. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca bệnh tăng thêm vượt mốc 20.000 người.
Theo báo RT, để có thêm nhân viên y tế sẵn sàng phục vụ các phòng điều trị Covid-19, nhiều ca phẫu thuật, kể cả dành cho bệnh nhân ung thư và bệnh tim, đã bị hủy trong một tuần trở lại đây. Nhà chức trách thống kê, nước này chỉ còn không đầy 200 giường trống tại các phòng ICU trên khắp toàn quốc tính tới ngày 18/11. Đến 19/11, gần một nửa (chính xác là 47,8%) số giường ICU đang sử dụng là dành cho bệnh nhân Covid-19.
Một ước tính gần đây của Cơ quan quản lý chăm sóc y tế Hà Lan (NZa), tới 200.000 ca phẫu thuật đã không diễn ra do nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 cấp bách kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện vẫn chưa rõ ảnh hưởng của điều này đối với sức khỏe cộng đồng.
Hồi cuối năm ngoái. Viện Sức khỏe và môi trường quốc gia Hà Lan từng tính toán rằng, ước tính 34.000 - 50.000 "năm tuổi thọ khỏe mạnh" đã bị mất chỉ vì mình làn sóng lây nhiễm đầu tiên.
Tổng số ca mắc ở Hà Lan kể từ đầu dịch hiện lên tới gần 2,4 triệu, trong đó 18.900 người không qua khỏi. 73% người dân nước này đã tiêm đủ liều vắc xin.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 20/11 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 256,9 triệu người, xấp xỉ 5,2 triệu ca tử vong. Song, gần 232 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Chính phủ Áo hôm 19/11 đã quyết định áp đặt một đợt phong tỏa toàn quốc, có hiệu lực trong 10 ngày kể từ 22/11, để ngăn chặn đợt dịch mới đang bùng phát. Thủ tướng Alexander Schallenberg cho biết, nhà chức trách có thể mở rộng các hạn chế nếu tỷ lệ lây nhiễm không giảm bớt. Song, ông cam kết phong tỏa sẽ không kéo dài quá 20 ngày.
- Cùng ngày, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã chấp thuận cho dùng khẩn cấp thuốc viên của Merck để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, trong bối cảnh số ca mắc mới tăng vọt khắp Liên minh châu Âu (EU) dù nhà chức trách y tế ở các nước thành viên vẫn chưa phê chuẩn điều này.
- Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 19/11 thông báo, nước này sẽ bắt đầu tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 -11 tuổi từ ngày 23/11. Việc chủng ngừa cho trẻ em được triển khai sau khi chính phủ Do Thái nhận được hàng trăm nghìn liều vắc xin của Pfizer/BioNTech vào ngày 21/11, chậm hơn một tuần so với kế hoạch ban đầu. Trước đó, Israel cũng đã triển khai tiêm phòng cho trẻ em trong độ tuổi 12 - 17.
- Các nhà điều hành tàu cao tốc của Nhật cho biết, trẻ em sẽ được miễn phí đi tàu cao tốc qua hầu hết các thành phố lớn ở nước này. Đây là một phần trong chiến dịch phục hồi du lịch nội địa, vốn đang bị ảnh hưởng vì đại dịch, ở đất nước mặt trời mọc.
Tuấn Anh
Áo áp phong tỏa người chưa tiêm phòng, Pháp phát hiện biến thể mới
Thủ tướng Áo thông báo, hàng triệu người chưa hoàn thành tiêm phòng Covid-19 ở nước này sẽ bị áp phong tỏa từ ngày 15/11 nhằm đối phó với tình trạng tăng kỷ lục ca mắc mới.
Thuốc trị Covid-19 của Pfizer hiệu quả cao, Hong Kong có ca đầu tiên mắc Delta Plus
Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer tuyên bố, một loại thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 của họ đã giảm 89% khả năng nhập viện và tử vong ở những người trưởng thành có nguy cơ cao phát bệnh nặng sau nhiễm virus.