Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nếu tháng 5 và 6/2023 xuất khẩu rau quả bùng nổ, giá trị kim ngạch lần lượt là 656,2 triệu USD và 662 triệu USD thì sang tháng 7 mặt hàng này còn 404,5 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 7 giảm mạnh 38,9% so với tháng 6/2023, nhưng tăng 63,6% so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 3,1 tỷ USD, tăng 60,5% cùng kỳ năm ngoái. 

Rau quả Việt xuất khẩu tới các thị trường chính trong 7 tháng năm vừa qua đều tăng trưởng tốt, trừ thị trường Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Úc. 

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tiếp tục bùng bổ (Ảnh: Thạch Thảo).

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2023, dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc với 2 tỷ USD, tăng 128,5% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đột phá góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan trong năm 2023, bởi thị trường này chiếm 64,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Tiếp theo là Mỹ, nhưng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng năm 2023 sang thị trường này chỉ đạt 140,5 triệu USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022. 

Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 125,1 triệu USD, tăng 13%; Nhật Bản đạt 105,6 triệu USD, tăng 5,5%...

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều rất lớn. Song, trừ thị trường Trung Quốc là rau quả Việt Nam chiếm thị phần khá cao, còn lại hàng Việt chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng nhu cầu ở các thị trường khác.

Cụ thể, Mỹ có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả bình quân khoảng 46 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2018-2022, nhưng giá trị nhập khẩu từ Việt Nam chiếm chưa đầy 0,6%. 

Tương tự, thị trường Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình đạt 3,9 tỷ USD/năm, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 4,3%. Thị trường Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu trung bình khoảng 10 tỷ USD/năm, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam cũng chỉ chiếm 0,6%.

Ở các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc vẫn còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt khai thác, Cục Xuất nhập khẩu gợi ý.

Chuyên gia ngành rau quả cho rằng, tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp có thể xuất khẩu rau quả tươi. Còn với các thị trường khác, cần đẩy mạnh hàng chế biến. Đây là xu hướng chung trên toàn cầu, hiện được người tiêu dùng tại nhiều quốc gia ưa chuộng.

Chưa kể, làm hàng chế biến xuất khẩu dễ thâm nhập hơn vào các thị trường khó tính vì không bị áp các quy định về kiểm dịch khắt khe như hàng ăn tươi.

Ví như, Mỹ chính thức mở cửa thị trường với quả dừa sọ Việt Nam vào đầu tháng 8 này. Theo đó, quả dừa sọ của Việt Nam được Mỹ chấp thuận xuất khẩu vào Mỹ là dừa đã tách ít nhất 75% phần xơ và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài.

Yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất đối với các lô hàng dừa chỉ diễn ra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ do dừa sọ Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể.