"Nếu Mỹ lùi trong khuôn khổ "một quan hệ cường quốc kiểu mới" thì TQ thực hiện được tham vọng của mình".

>> Kế hoạch thế kỷ của TQ để thách thức Mỹ?

>> Mỹ có tận dụng cơ hội trên 'sân nhà' TQ?

LTS: Nhân chuyến thăm châu Á và dự APEC Bắc Kinh và cấp cao Đông Á (EAS) ở Myanmar của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bối cảnh bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ với kết quả Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế cả ở hai viện, Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn với GS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, ĐH George Mason; Ông Trần Việt Thái, PGĐ Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao). Nội dung xoanh quanh vị thế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương trong sự so sánh với Trung Quốc, cũng như chiến lược tái cân bằng của Tổng thống Obama.

Tiềm tàng nhân tố mất ổn định

Trung Quốc đang có những bước đi mạnh mẽ hơn để khẳng định vị trí của mình tại châu Á - Thái Bình Dương, chẳng hạn sáng kiến lập con đường tơ lụa trên biển,  về kinh tế là thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), về quân sự là thiết lập các đảo nhân tạo tại biển Đông, trước đó là việc thành lập ADIZ tại biển Hoa Đông, đẩy căng thẳng Trung - Nhật lên cao, v.v...

Những động thái này theo hai ông là kết quả của chính sách lớn nào? Chúng có làm thay đổi trật tự tại Thái Bình Dương với vai trò chủ đạo của Mỹ từ sau chiến tranh Lạnh? Và trước những tác động đó, hai ông có dự đoán gì với phản ứng của Mỹ?

{keywords}
GS Nguyễn Mạnh Hùng, ĐH George Mason

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, các bước đi ấy nhằm biến Trung Quốc thành một bá quyền khu vực rồi sau đó thành một siêu cường thế giới. Các động thái trên biển và đảo của Trung Quốc nằm trong kế hoạch gặm nhấm dần dần các vùng tranh chấp để cuối cùng kiểm soát được tối đa Biển Đông, xác định vị thế bá quyền khu vực của mình, đẩy các cường quốc khác xuống vai trò thứ yếu.

Chính sách này dĩ nhiên gây ra phản ứng từ các nước lớn khác như Nhật, Ấn, và nhất là Mỹ, một nước duy nhất có khả năng làm đối trọng với Trung Quốc. Nếu Mỹ lùi trong khuôn khổ "một quan hệ cường quốc kiểu mới" thì TQ thực hiện được tham vọng của mình. Nếu Mỹ chống lại thì một hình thức chiến tranh lạnh kiểu mới sẽ xuất hiện với hai khác biệt chính: Thứ nhất, thế giới không ở trên vực thẳm của chiến tranh tận diệt như xưa; và thứ hai, cuộc cạnh tranh giữa hai nước sẽ bị kiềm chế phần nào vì tình trạng hội nhập kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, nó vẫn còn hai yếu tố chính của chiến tranh lạnh. Đó là sự hiện diện của các liên minh đối đầu và việc tranh giành, hay chia vùng ảnh hưởng. Trong trường hợp này, các nước nhỏ hoặc tự chọn chỗ đứng của mình, nếu có cơ hội và khả năng, hoặc bị các nước lớn chia nhau.

{keywords}
Ông Trần Việt Thái, PGĐ Viện Nghiên cứu Chiến lược

Ông Trần Việt Thái: Vâng, đúng là gần đây Trung Quốc đang có những bước đi mạnh mẽ không chỉ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn cả trên phạm vi toàn cầu. Điều này chứng tỏ Trung Quốc ngày càng tự tin vào sức mạnh của mình, quyết đoán hơn trong các tranh chấp quốc tế. Trung Quốc cũng đang dần chuyển từ bị động sang giành thế chủ động về đối ngoại thông qua việc đưa ra hàng loạt sáng kiến như con đường tơ lụa trên biển, lập AIIB... Điều này sẽ có những tác động cả trước mắt và lâu dài đối với khu vực.

Thứ nhất, sự tự tin và quyết đoán của Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại ở khu vực do cách làm của Trung Quốc thường không theo thông lệ quốc tế, không đủ minh bạch, không có tham vấn đầy đủ trước khi tiến hành...

Thứ hai, việc Trung Quốc đề xuất thành lập AIIB làm gia tăng sự cạnh tranh và nguy cơ chồng chéo với nhiều thể chế tài chính toàn cầu và ở khu vực, đặc biệt là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Nhiều nước lo ngại khi AIIB đi vào hoạt động sẽ dẫn tới sự cạnh tranh, phá vỡ các nguyên tắc, thông lệ đã được hình thành từ nhiều năm qua.

Hiện nay, các nước phương Tây và các tổ chức tín dụng quốc tế thường có những quy định rất chặt chẽ và có một quy trình rất rõ ràng, nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn, điều kiện để được tiếp cận vay vốn tín dụng cho các dự án phát triển ở các nước, ví dụ như những quy định về bảo vệ môi trường. Sự ra đời của AIIB có nguy cơ sẽ phá vỡ những thông lệ này và nếu không có sự tham vấn, phối hợp đầy đủ, thậm chí AIIB có thể sẽ trở thành đối thủ của các tổ chức tài chính ở khu vực và là công cụ chính trị của Trung Quốc trong quan hệ với các nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, mặt tích cực là AIIB cũng sẽ tạo ra áp lực, buộc các tổ chức tín dụng quốc tế, nhất là ADB phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, về lâu dài, điều này có nguy cơ tạo ra hai hệ thống chuẩn mực cùng song song tồn tại ở khu vực, một do Mỹ và phương Tây tạo ra từ nhiều thập kỷ qua, một do Trung Quốc chi phối. Nếu là như vậy thì quan hệ quốc tế sẽ trở nên rất phức tạp. Các nước vừa và nhỏ ở khu vực sẽ cảm thấy khó khăn hơn trong việc phải cân bằng quan hệ giữa các nước lớn.

Riêng đối với trật tự quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trật tự quốc tế ở khu vực hiện nay về cơ bản vẫn do phương Tây chi phối với vai trò rất lớn của Mỹ. Sau chiến tranh Lạnh, khác với châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới, châu Á - Thái Bình Dương không phải hứng chịu các cuộc chiến tranh nóng, đã đạt được sự tăng trưởng và thịnh vượng thần kỳ trong 25 năm liên tục. Châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên là trung tâm quyền lực mới của thế giới và cũng là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, những bước đi mạnh mẽ của Trung Quốc hiện nay có nguy cơ làm thay đổi trật tự trong khu vực, làm gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn. Các nước nhỏ có nguy cơ bị lôi kéo vào các tập hợp lực lượng mà họ không mong muốn. Đó là những nhân tố tiềm tàng gây mất ổn định ở khu vực.

Biến động nội bộ có ảnh hưởng "tái cân bằng"?

Tại cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 4/11/2014 vừa qua ở Mỹ, đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng vang dội. Kết quả thống kê chính thức cho thấy phe Cộng hòa đã giành được 243/435 ghế tại Hạ viện, tăng 10 ghế so với trước bầu cử. Tại Thượng viện, phe Cộng hòa đã nắm được 52/100 ghế.

Theo hai ông, chiến thắng của Đảng Cộng hòa lần này có tác động như thế nào tới chính sách tái cân bằng của Tổng thống Obama? Và nó có tạo sức ép buộc Obama phải cứng rắn hơn trong các vấn đề đối ngoại?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Chính sách tái cân bằng tại châu Á đạt được một đồng thuận lưỡng đảng hiếm có trong các chính sách ngoại giao của Mỹ hiện nay. Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, cả hai thượng nghị sĩ McCain thuộc đảng Cộng Hòa và Whitehouse thuộc đảng Dân Chủ đều tuyên bố ủng hộ việc bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Một trong những người ủng hộ tích cực nhất việc bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và quan tâm đến những hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông là Thượng Nghị sĩ John MCain. Và, với chiến thắng của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, ông sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện.

Ngoài ra, tuy đảng Cộng Hòa chủ trương giảm ngân sách cho một số chương trình quốc nội, họ vẫn chống việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, và có khuynh hướng ủng hộ chính sách ngoại giao dựa trên sức mạnh quân sự.

Ông Trần Việt Thái: Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006 đến nay, phe Cộng hòa đã trở lại kiểm soát cả hai viện ở Quốc hội Mỹ, đẩy chính quyền của Tổng thống Obama và phe Dân chủ vào thế khó khăn trong thời gian tới.

Điều này sẽ có tác động lớn đối với 2 năm cầm quyền còn lại của Tổng thống Barack Obama và tới chính sách tái cân bằng của Mỹ nói riêng. Tại cuộc bầu cử vừa qua, tuy không phải là những nhân tố quyết định, nhưng các vấn đề về đối ngoại như cuộc khủng hoảng ở Ucraina, tiến trình hòa đàm ở Trung Đông, vấn đề hạt nhân Iran, quan hệ căng thẳng với Nga, quan hệ Mỹ - Trung khó khăn, cách chính quyền Mỹ xử lý dịch bệnh Ebola và cuộc chiến chống IS... đã làm nhiều người Mỹ mất lòng tin vào chính quyền và được lợi dụng triệt để để mang lại chiến thắng cho phe Cộng hòa.

Đối với chiến lược tái cân bằng, đây là vấn đề được cả hai Đảng đồng thuận. Nhưng việc phe Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Quốc hội có thể sẽ tác động tới cách thức triển khai chiến lược tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương trong 2 năm tới. Trước mắt, có thể thấy ưu tiên và cách làm trong chiến lược tái cân bằng của phe Cộng hòa có thể sẽ khác với chính quyền ở hai điểm:

Thứ nhất, trong quan hệ với Trung Quốc, nhiều khả năng một số nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa sẽ gây sức ép buộc ông Obama phải tỏ thái độ cứng rắn và mạnh mẽ hơn nữa trong quan hệ với Trung Quốc.

Thứ hai, phe Cộng hòa có thể sẽ gây khó khăn, đưa ra những đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn đối với các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương trong những vấn đề như đàm phán về TPP, dân chủ nhân quyền... Các vấn đề khác sẽ còn phải theo dõi thêm.

Theo hai ông, sự thay đổi cán cân quyền lực tại Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này có tác động gì đến kết quả chuyến thăm châu Á dự APEC và EAS của Tổng thống Obama? Liệu có thể trông đợi những kết quả "ngoạn mục", thay đổi cục diện khu vực từ các chuyến thăm này?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Đây là những chuyến đi nhằm xác định quan tâm, vai trò, và cam kết tái phối trí lực lượng hướng về Á châu của Mỹ. Nhưng vì nhiều khác biệt chưa được giải quyết, không những giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn cả giữa Mỹ và một số đồng minh của Mỹ ở Á châu, cho nên người ta khuyến cáo không nên trông đợi vào các kết quả ngoạn mục.

Ông Trần Việt Thái: Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ công du 3 nước châu Á là Trung Quốc, Myanmar và Australia. Tại Trung Quốc, ông Obama sẽ thăm cấp nhà nước Trung Quốc và tham dự Hội nghị cấp cao APEC và một loạt hoạt động xung quanh diễn đàn này.

Đáng chú ý nhất là cuộc gặp giữa ông Obama và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với nội dung trọng tâm là các vấn đề kinh tế, chính sách châu Á của Mỹ, và quan hệ Mỹ - Trung. Các vấn đề nổi cộm dự kiến sẽ thu hút sự chú ý lớn của dư luận bao gồm vấn đề an ninh mạng, vấn đề tranh chấp trên biển ở Hoa Đông và biển Đông.

Tại Myanmar, Tổng thống Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và dự cấp cao ASEAN - Mỹ. Trong thời gian ở Myanmar, dự kiến ông Obama sẽ gặp cả Tổng thống Myanmar Thein Sein và lãnh đạo phe đối lập là bà Aung Sann Suu Kyi. Chặng cuối của chuyến thăm là Australia. Tại đây, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và sẽ có bài phát biểu quan trọng về vai trò của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Cho đến nay, mặc dù kết quả cuộc bầu cử giữa kỹ đã dẫn tới việc thay đổi cán cân quyền lực trong nội bộ Mỹ, nhưng về ngắn hạn điều này sẽ không ảnh hưởng tới kết quả chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama. Chuyến thăm này đã được hoạch định, chuẩn bị từ lâu và đây là chức năng của bên hành pháp. Phe Cộng hòa cũng cần có thời gian để vận hành hệ thống quyền lực bên Quốc hội, và không phải vấn đề nào họ cũng có thể tác động tới bên chính quyền.

Huỳnh Phan (thực hiện)