Mỹ vừa đóng cửa đại sứ quán nước này ở Damascus và Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ gia tăng sức ép buộc nhà lãnh đạo Syria phải từ chức trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới vẫn chia rẽ về cách thức chấm dứt cuộc khủng hoảng ở nước này.
TIN BÀI KHÁC:
Nga lý giải việc "bênh" Syria
LHQ không đồng thuận về nghị quyết Syria
Tổng thống Syria và giáo phái đầy bí ẩn
Lời giải nào cho cuộc khủng hoảng Syria?
Nhiều nước kêu gọi LHQ mạnh tay với Syria
Lễ tang tập thể cho những người được cho là nạn nhân của chiến dịch oanh
tạc của quân đội Syria vào khu vực Khalidiya, Homs, ngày 4/2.
(Ảnh: Reuters)
Washington thông báo sẽ rút toàn bộ các nhà ngoại giao nước này ra khỏi Syria,
chỉ 2 ngày sau khi các quốc gia phương Tây không thể đạt được một nghị quyết của
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ đề xuất của Liên đoàn Ảrập đòi Tổng thống
Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực.
Quyết định của Washington được đưa ra khi Mỹ và các đồng minh đang chật vật tìm
ra một chiến lược mới nhằm huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với đề
xuất Assad phải ra đi, chấm dứt cuộc khủng hoảng bạo lực kéo dài 11 tháng qua ở
Syria.
"Chế độ Assad cảm thấy sợi dây thòng lọng đang thắt chặt quanh họ", Obama phát
biểu trên chương trình Today của NBC News trong một cuộc phỏng vấn được phát
sóng ngày 6/2. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng thêm áp lực cho đến khi hy vọng rằng
chúng ta chứng kiến một sự chuyển đổi".
Tuy đe dọa sẽ áp dụng thêm các đòn trừng phạt và cô lập về ngoại giao đối với
Damascus, ông Obama tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ không muốn một sự can thiệp quân sự
giống như chiến dịch oanh tạc của NATO giúp lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar
Gaddafi năm ngoái.
"Không phải mọi tình huống đều sẽ cho phép kiểu giải pháp quân sự mà chúng ta đã
chứng kiến (ở Libya)", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh. "Điều cực kỳ quan trọng với
chúng ta là phải cố gắng giải quyết vấn đề này mà không cần đến sự can thiệp
quân sự từ bên ngoài. Và tôi nghĩ là có thể".
Tuy nhiên, các lựa chọn ngoại giao của Washington rất hạn chế sau khi Nga và
Trung Quốc phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an hôm 4/2, vô hiệu hóa hành
động của Liên Hợp Quốc.
Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Washington sẽ hợp tác
với "những người bạn của một Syria Dân chủ trên toàn thế giới", nêu ra các triển
vọng thành lập một liên minh của những nước có cùng quan điểm nhằm giúp phe đối
lập chính trị ở Syria.
Mặc dù vậy, bà Clinton không đưa thêm chi tiết về khả năng những nước nào sẽ
tham gia cùng nhau hoặc chính xác những gì họ có thể làm.
Lo ngại an ninh
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ ngừng các hoạt động của sứ quán tại Damascus và
triệu hồi đại sứ Robert Ford do tình hình an ninh ngày càng nghiêm trọng ở
Syria.
"Chúng tôi, cùng với một số phái bộ ngoại giao khác, đã truyền đạt những lo lắng
an ninh của mình tới chính phủ Syria nhưng họ không phản hồi một cách thỏa
đáng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết trong một thông
báo.
Nuland nói rằng, đại sứ Ford sẽ tiếp tục vị trí của ông là đại sứ Mỹ tại Syria
và sẽ làm việc cùng với nhóm của mình từ Washington.
"Cùng với các quan chức Mỹ cấp cao khác, đại sứ Ford sẽ tiếp tục các tiếp xúc
với phe đối lập Syria và tiếp tục các nỗ lực của chúng tôi nhằm ủng hộ sự chuyển
giao chính trị hòa bình mà người dân Syria đã cố gắng theo đuổi một cách dũng
cảm"., trích lời phát ngôn viên này.
Đại sứ quán Syria ở Washington không trả lời các cuộc gọi hỏi về diễn biến mới
kể trên.
Hôm 6/2, Anh cũng tuyên bố sẽ triệu hồi đại sứ nước này tại Syria để bàn bạc như
một sự phản đối về ngoại giao đối với chiến dịch trấn áp người biểu tình của
Tổng thống Assad.
Các lực lượng Syria đã đánh bom Homs hôm 5/2, giết chết ít nhất 50 người trong
một vụ tấn công liên tục nhằm vào một số quận huyện của thành phố, nơi đã trở
thành một trung tâm chống đối vũ trang với Assad, nhóm đối lập Hội đồng quốc gia
Syria cho biết.
Các nhà chức trách Syria phủ nhận thông tin bắn vào nhà dân và khẳng định lực
lượng an ninh đã tiêu diệt "hàng chục tên khủng bố" ở Homs.
Lo ngại của Liên Hợp Quốc
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi bạo lực leo thang ở Syria là "hoàn
toàn không thể chấp nhận được trước nhân loại", Martin Nesirky, phát ngôn viên
của ông, cho biết.
Ông Ban kêu gọi "tất cả các bên liên quan ở Syria" và cộng đồng quốc tế tăng
cường các nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng này.
Trong khi đó, Đại sứ Đức tại Liên Hợp Quốc Peter Wittig nói rằng, những người
ủng hộ kế hoạch của Liên đoàn Ảrập cần tìm ra các cách để tiến lên phía trước.
Ông cho biết, Berlin đang đề xuất một nhóm tiếp xúc quốc tế mà ông mô tả là "một
liên minh rộng khắp gồm những người bạn của Liên đoàn Ảrập và đặc biệt là những
người bạn của Syria".
Các nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền cho biết, hơn 7.000 người đã bị lực
lượng an ninh Syria giết hại kể từ khi làn sóng nổi dậy bùng nổ hồi tháng 3 năm
ngoái. Liên Hợp Quốc đã thôi ước tính số người tử vong ở Syria sau khi con số
này vượt quá 5.000 người hồi tháng 1, viện dẫn rất khó để xác nhận các thông
tin.
Phía chính phủ của Tổng thống Assad tuyên bố, ít nhất 2.000 thành viên các lực
lượng an ninh nước này đã thiệt mạng.
Thanh Hảo (Theo BBC, Reuters)