Quyết định tăng lãi suất của Mỹ tiếp tục khẳng định một xu hướng không thể đảo chiều và đưa thế giới vào một thời kỳ mới. Để nước Mỹ và thế giới tránh khỏi những cú sốc, chính sách thắt chặt cần được thực hiện từ từ để phù hợp với sức khỏe của các nền kinh tế.


Quyết định đảo chiều

Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong tháng cuối cùng của năm 2017. Tổng cộng Fed đã có 3 lần tăng lãi suất trong năm nay. Cộng với 2 lần trong năm 2016, Fed đã tăng lãi suất 5 lần, mỗi lần 25 điểm phần trăm.

Theo quyết định của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của Fed, lãi suất cơ bản đã được tăng lên mức 1,25-1,5%, cao hơn khá nhiều so với mức thấp kỷ lục mọi thời đại 0-0,25% được Mỹ áp dụng trong gần 1 thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Trong một động thái thắt chặt chính sách tiền tệ khác, Fed xác nhận sẽ đẩy mạnh việc bán tài sản nhằm thu hẹp sự mất cân đối trên bảng cân đối kế toán.

{keywords}
Fed tăng lãi suất: Quyết định chấn động

Cũng ngay sau cuộc họp cuối cùng của năm, Fed tăng mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018. Các thành viên của FOMC nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 lên 2,5%, so với mức 2,1% được đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 9

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng khá vững chắc thời gian vừa qua với 2 quý liên tiếp tăng trưởng từ 3% trở lên. Dự báo tăng trưởng GDP quý 3 cũng ở mức tương tự. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát được dự báo phải đến 2019 mới chạm đến mục tiêu 2% mà Fed đề ra.

Với những đánh giá khá lạc quan, các chuyên gia dự báo Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2018.

Nếu không có gì thay đổi, tới cuối 2018, Fed sẽ có 8 lần tăng lãi suất, tổng cộng 200 điểm phần trăm. Đây là một bước ngoặt trên thị trường tài chính Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, dự báo sẽ tác động mạnh tới thế giới.

Chỉ vài tiếng sau khi Fed tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ, NHTW Trung Quốc cũng đã bất ngờ nâng lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở và cơ chế cho vay trung hạn với mức tăng 5 điểm cơ bản, áp dụng cho một số khoản vay ngắn hạn đối với các loại chứng khoán của chính phủ.

Trước đó, đầu tháng 11, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã tăng lãi suất cơ bản lên gấp đôi, từ 0,25% lên 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất trở lại đầu tiên trong 10 năm qua của BoE, sau khi liên tiếp giảm.

Các nhà kinh tế của Đức cũng đã kêu gọi ECB tăng lãi suất và kết thúc chương trình mua trái phiếu, bất chấp động thái như vậy sẽ ảnh hưởng nặng nề đền các nền kinh tế thuộc Eurozone khác như Hy Lạp.

Tác động toàn thế giới

Những chuyển biến về chính sách lãi suất bắt đầu từ 2 nền kinh tế lớn trên thế giới: Mỹ và Anh. Nó đánh dấu một xu hướng mới sau gần một thập kỷ khủng hoảng. Mặc dù các bước đi của Mỹ khá rõ ràng và đã được dự đoán trước nhưng vẫn gây chấn động giới tài chính, tác động mạnh lên nhiều thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có chứng khoán, vàng và ngoại tệ. 

{keywords}

Ngay sau khi Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất lần thứ 5 (trong tháng 12/2017) và nâng dự báo tăng trưởng GDP, hầu hết các chỉ số trên thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đã tăng điểm.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones xác lập kỷ lục mới, gần 24,6 ngàn điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lên 6.875,8 điểm.

Trước đó, TTCK Mỹ đã có một năm 2017 bùng nổ, với các chỉ số chính nối đuôi nhau lập kỷ lục sau khi Fed tăng lãi suất. Ngay từ đầu năm, chỉ số Nasdaq đã bất ngờ vượt ngưỡng 6.000 điểm - một  bước ngoặt bởi một thời gian dài vật lộn ở ngưỡng 5.000 điểm. 

Với những diễn biến chính sách tiền tệ mới, đồng USD đã có nhiều khoảng thời gian tăng mạnh so với euro, bảng Anh và yên Nhật.

Cho tới thời điểm này, Nhật là một trong số ít các nền kinh tế vẫn đang duy trì chương trình nới lỏng tiền tệ, bất chấp những chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Tokyo đang hướng đến đồng Yen yếu. Nhật vẫn duy trì chính sách giảm lãi suất dài hạn để kích thích tiêu dùng và đầu tư.

Mặc dù vậy, với những bước đi của Mỹ, Anh và sắp tới có thể là EU, thế giới đang bước vào một thời kỳ mới, kết thúc một kỷ nguyên kích thích kinh tế bằng lãi suất thấp không mấy thành công.

Chính sách lãi suất thấp đã được duy trì trong một khoảng thời gian rất dài nhưng hầu hết các nền kinh tế hồi phục chậm. Các nền kinh tế không hồi phục đủ nhanh để các nhà tạo lập chính sách có thể kéo lãi suất đi lên, tạo ra một vùng đệm chính sách phòng ngừa cho một cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tất nhiên, để nước Mỹ và thế giới tránh khỏi những cú sốc, chính sách thắt chặt cần được thực hiện từ từ để phù hợp với sức khỏe của các nền kinh tế.

Trong buổi họp báo cuối cùng trên cương vị chủ tịch Fed, bà Janet Yellen cho biết, ngân hàng Trung ương Mỹ kỳ vọng thị trường việc làm sẽ tiếp tục tích cực, mặc dù tốc độ tăng trưởng việc làm có giảm do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Bà Yellen cũng kỳ vọng người kế nhiệm Jerome Powell đồng thuận với quan điểm Fed là tăng lãi suất từ từ.

M. Hà