Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, chuyến đi của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đến thành phố cảng Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc để gặp Ngoại trưởng Vương Nghị và các quan chức khác của Bắc Kinh ngày 26/7 là cơ hội để đảm bảo rằng sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đối thủ địa chính trị không dẫn đến xung đột.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Thiên Tân ngày 26/7. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, những tuyên bố cứng rắn sau các cuộc gặp kín giữa bà Sherman với ông Vương và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã phản ánh giọng điệu hai bên đặt ra ở Alaska hồi tháng 3, khi các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden bị lu mờ vì các lời chỉ trích gay gắt công khai từ cả hai phía.
Theo Reuters, mặc dù hội nghị Thiên Tân không thể hiện mức độ thù địch bên ngoài như ở Alaska nhưng hai bên dường như không thực sự đàm phán bất cứ điều gì, thay vào đó kiên quyết nhấn vào các danh sách yêu cầu đã thiết lập từ trước.
Bà Sherman gây sức ép với Trung Quốc về những hành động mà Washington tuyên bố là đi ngược lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Ngược lại, Trung Quốc trao cho Mỹ hai bản danh sách, gồm một về những điểm mà Bắc Kinh muốn Washington thay đổi và một về những vấn đề Bắc Kinh coi trọng.
“Tôi nghĩ sẽ là sai lầm nếu mô tả Washington là bằng cách nào đó đang tìm kiếm hoặc lôi kéo sự hợp tác của Bắc Kinh”, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên sau sự kiện, ám chỉ đến các mối quan ngại toàn cầu như biến đổi khí hậu, Iran, Afghanistan và Triều Tiên.
Một quan chức Mỹ thứ hai nói, việc giải quyết các bất đồng hoàn toàn phụ thuộc vào việc "Trung Quốc xác định xem họ đã sẵn sàng như thế nào để thực hiện bước tiếp theo".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc lại quả quyết rằng "bóng đang ở bên sân của Mỹ". "Xét về việc tôn trọng các luật lệ quốc tế, chính Mỹ mới là bên cần phải nghĩ lại", ông Vương nhấn mạnh, đồng thời đòi hỏi Washington phải dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt và hàng rào thuế quan nhắm vào Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã phát đi tín hiệu ám chỉ, họ có thể muốn các điều kiện tiên quyết đối với Mỹ về bất kỳ hình thức hợp tác nào. Một số nhà phân tích coi lập trường này là công thức của Bắc Kinh về hợp nhất hóa ngoại giao và điều đó làm giảm triển vọng cải thiện quan hệ song phương.
Theo Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ, điều quan trọng là hai bên cần duy trì dạng gắn kết nào đó. Song, đáng tiếc, hội nghị ở Thiên Tân đã không đạt được thỏa thuận về các cuộc gặp tiếp theo hoặc cơ chế cho đối thoại tiếp diễn. Bà Glaser tin, điều này có thể sẽ khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ thấy lo ngại vì họ đang hy vọng vào sự ổn định và dễ đoán hơn trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cả Washington và Bắc Kinh nhiều khả năng cũng đều cảm thấy thất vọng nếu họ kỳ vọng phía bên kia nhượng bộ trước nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Trong số những người làm công tác đối ngoại Mỹ có một số ý kiến mong chờ Tổng thống Biden sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Italia vào tháng 10, lần đầu tiên kể từ khi ông tiếp quản Nhà Trắng. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki bày tỏ hy vọng vẫn có cơ hội để hai nguyên thủ tiếp xúc vào thời điểm nào đó, dù sự kiện Thiên Tân không đạt kết quả.
Trong khi đó, nhiều dấu hiệu hiện cho thấy, chính quyền Biden có thể mở rộng quy mô cả những hành động hành pháp ảnh hưởng đến Bắc Kinh, chẳng hạn như ngăn chặn việc Iran bán dầu mỏ cho Trung Quốc lẫn sự phối hợp với các đồng minh chống lại đại lục, kể cả kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác của Bộ Tứ, giữa tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo Nhật, Australia và Ấn Độ.
Nhà Trắng gần đây cũng không cho thấy động thái thái ám chỉ, họ dự tính giảm bớt các biện pháp áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc do chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump thiết lập.
Ngoài ra, hai bên dường như không thể hợp tác trong cuộc chiến chống Covid-19. Washington thậm chí cáo buộc việc Bắc Kinh từ chối bắt tay cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm điều tra sâu hơn về nguồn gốc virus là "vô trách nhiệm" và "nguy hiểm".
Hiện cũng không có mấy tín hiệu về việc Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với phía Mỹ trong vấn đề khí hậu, một ưu tiên của ông Biden, bất chấp những lời kêu gọi đầy nhiệt huyết từ phái viên chuyên trách Mỹ John Kerry.
Tóm lại, theo nhà nghiên cứu Eric Sayers thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, cuộc gặp cấp thứ trưởng ở Thiên Tân phơi bày việc Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khác biệt quá lớn về cách nhìn nhận giá trị và vai trò của sự gắn kết ngoại giao.
Hai nước hiện dường như cũng không nhìn thấy nhiều lợi ích của việc tăng cường hợp tác song phương hơn nữa. Do đó, một số nhà phân tích kỳ vọng rất thấp vào việc Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm thấy điểm chung để tháo gỡ thế bế tắc hiện tại và ổn định mối quan hệ trong tương lai gần.
Tuấn Anh
Đàm phán cấp cao Mỹ-Trung kết thúc trong bế tắc
Cuộc họp quan trọng giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc ở Thiên Tân hôm 26/7 đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ đồng thuận cụ thể nào.
Cuộc đua vũ trang tên lửa ở châu Á vì căng thẳng Mỹ - Trung
Giới quan sát cảnh báo, châu Á đang lún sâu vào một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm khi các quốc gia nhỏ hơn từng đứng ngoài lề, bắt đầu tích trữ tên lửa tầm xa giữa lúc leo thang căng thẳng Mỹ - Trung.