Khi các nhà phê bình chỉ ra nhiều dấu hiệu bất ổn ở Ai Cập, Nhà Trắng đã im hơi lặng tiếng.

Đầu năm trước, một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền tại Mỹ, các nhà hoạch định chính sách tân bảo thủ và những chuyên gia Trung Đông nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng, những gì từng coi là bình yên ở Ai Cập đã là một ảo ảnh.

"Nếu cơ hội cải cách bị bỏ lỡ, viễn cảnh ổn định và thịnh vượng của Ai Cập sẽ là sự hoài nghi”, họ viết trong một lá thư hồi tháng 4/2010.

Cảnh sát Ai Cập tham gia một cuộc biểu tình đòi tăng lương trước trụ sở Bộ Nội vụ tại Cairo ngày 14/2. Ảnh: Reuters
Lá thư là một phần của hàng loạt tín hiệu cảnh báo gửi tới chính quyền Obama cho rằng, Ai Cập đang hướng tới một cuộc khủng hoảng và đòi hỏi Mỹ cần phản ứng mạnh mẽ. Họ tin là Hosni Mubarak, nhà lãnh đạo Ai Cập 82 tuổi, đã gian lận trong nhiều cuộc bầu cử. Còn dân số trẻ Ai Cập ngày càng bị kích động và bất mãn.

Nhóm Làm việc về Ai Cập đã gửi thư cho bà Clinton, nhận định, chính quyền không đánh giá một cách đầy đủ về các tín hiệu cảnh báo tại Ai Cập. Các thành viên cùng lo ngại rằng, quốc gia lớn nhất thế giới Ảrập đã hướng đến một quá trình chuyển đổi nhưng Mỹ và nhiều bên khác không chuẩn bị cho một kỷ nguyên hậu Mubarak.

Ngoại giao bình lặng

Cuộc nổi dậy ở Cairo cho tới nay đã mang lại một kết quả trật tự hơn, thậm chí là tốt hơn với các lợi ích Mỹ. Nhưng sự lưỡng lự ban đầu của Mỹ với cuộc nổi dậy này có thể tạo ra phản ứng ngược khi làn sóng dân chủ dâng cao và quét khắp thế giới Ảrập. Ban đầu, Mỹ xa lánh người biểu tình, và sau đó, xa lánh chế độ Mubarak - một đồng minh lâu năm - làm dấy lên mối lo lắng từ các nước đồng minh bạn bè khác trong khu vực.

Quan chức Mỹ cho hay, chính quyền Obama từ đầu đã tập trung vào việc thúc đẩy dân chủ ở các nước Ảrập và nhận thức các vấn đề sâu sắc tại Cairo. Chính quyền chọn lựa cách không truyền tải thông điệp của họ thông qua những tuyên bố công khai cứng rắn. Trong khi đó, chính quyền của George W. Bush, đã nhiều lần công khai thúc giục ông Mubarak cải cách chính trị, coi thúc đẩy đân chủ tại Trung Đông là tâm điểm chính sách đối ngoại Mỹ.

Theo quan chức Mỹ, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton thường xuyên đưa ra vấn đề dân chủ với những người đồng cấp trong các cuộc gặp riêng tư. Tại ba cuộc gặp với Mubarak trong vòng 18 tháng, ông Obama đã tập trung vào việc yêu cầu chấm dứt tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 năm qua, tự do báo chí và bầu cử ở Ai Cập. Bà Clinton thì thúc giục Ai Cập và các nước Ảrập khác cho phép dòng chảy tự do của thông tin, dỡ bỏ hạn chế với Facebook, Twitter và các phương tiện truyền thông xã hội khác.

Hơn nữa, ông Mubarak đã tồn tại qua nhiều thách thức trước đây, nên không có có nhiều dự đoán rằng ông có thể bị lật đổ. "Kiểu phong trào này đơn giản chưa bao giờ từng xảy ra trước đây ở Trung Đông”, Daniel Levy, nguyên là nhà đàm phán hòa bình người Israel nói.

Giờ đây, Mỹ đang đối mặt với cả cơ hội cũng như thách thức khi phong trào ngày một lan rộng trong khu vực.

Obama, khi còn là ứng viên tranh cử ghế Tổng thống, đã vận động chống lại mạnh mẽ sự can thiệp vào công việc của các nước khác, chủ yếu là để phản ứng với cuộc chiến tranh Iraq. Bộ Ngoại giao của ông đã cắt giảm chi phí hỗ trợ xã hội dân sự cho Ai Cập xuống còn 9,5 triệu USD năm 2009 so với gần 30 triệu USD một năm trước đó, cho dù quỹ này sau đó đã gia tăng. Đại sứ của Washington tại Cairo, Margaret Scobey, đã nhất trí với một yêu cầu của Ai Cập rằng, toàn bộ tài trợ cho từ Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ sẽ chỉ được phân phối cho nhóm nào đăng ký với chính phủ Mubarak. Khi Obama chọn Ai Cập là điểm đến mà nhiều người mong chờ cùng bài phát biểu tháng 6/2009 với thế giới Hồi giáo, ông đã tự kiềm chế để không nhấn mạnh vấn đề dân chủ với ông Mubarak.

Chính quyền Obama đã gặt hái được những lợi ích chiến lược từ nỗ lực này. Cairo ủng hộ sáng kiến của Obama về thúc đẩy tiến trình hòa đàm Ảrập - Israel, tổ chức gặp gỡ giữa các nhà đàm phán Israel và Palestine, cố gắng thực hiện vai trò trung gian cho một chính phủ thống nhất giữa các phe nhóm Palestine. Đầu 2010, chính phủ của ông Mubarak bắt đầu thực hiện các bước được coi là nhằm mở rộng quyền lực của ông hoặc của người kế nhiệm mà ông chỉ định. Trong tháng 5, ông mở rộng lệnh thiết quân luật.

Nhóm Làm việc về Ai Cập đã gửi một lá thư tới Bộ Ngoại giao và nhấn mạnh mối quan ngại lớn hơn so với lá thư họ gửi hồi tháng 4. "Chúng tôi tiếp tục thể hiện sự lo lắng rằng, hoạt động ngoại giao bình lặng của chính quyền không có hiệu quả”, bức thư viết.

Sau các cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 6, các tổ chức phi chính phủ của Ai Cập và Mỹ đã báo cáo những thông tin về chiến dịch trấn áp bất cứ ai muốn tìm kiếm sự minh bạch trong cuộc bầu cử tiếp theo - với Thượng viện Ai Cập vào tháng 11. Học viện Dân chủ quốc gia, một tổ chức Mỹ đã đào tạo những người Ai Cập đảm nhận nhiệm vụ giám sát bầu cử, khẳng định, các nhân viên Ai Cập của họ thường xuyên bị lực lượng tình báo Cairo thẩm vấn, dò xét. "Gia đình của họ rất sợ hãi bị chính quyền trả đũa”, Les Campbell, người đứng đầu chương trình Trung Đông của Học viện nói. Theo ông Campbell, ông thường xuyên gặp gỡ với quan chức Mỹ để thảo luận về các vấn đề khi cuộc khủng hoảng Ai Cập trở nên tồi tệ hơn.

Thay đổi

Để cố gắng ngăn chặn các chiến thuật đe dọa, Chủ tịch Học viện - cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright - và thượng nghị sĩ John McCain - phụ trách Học viện Cộng hòa quốc tế, đã cùng viết thư cho Mubarak vào cuối tháng 7, đề nghị ông cho phép nhân viên quốc tế vào giám sát cuộc bầu cử tháng 11. Họ nói, lãnh đạo Ai Cập không phản hồi.

Thượng nghị sĩ McCain đã tìm cách thông qua, cùng với thượng nghị sĩ Dân chủ Russ Feingold của Wisconsin, một nghị quyết chính thức chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Ai Cập. Ai Cập đã thuyết phục hai nghị sĩ ẩn tên trong nghị quyết, theo các quan chức quốc hội. Sau đó, ông McCain đổ lỗi cho chính quyền Obama không công khai ủng hộ việc này. "Tôi thất vọng rằng chúng tôi không có sự ủng hộ của chính quyền”, ông McCain nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nếu nghĩ nó sẽ thay đổi những điều cơ bản tại Ai Cập thì tôi không rõ, nhưng chúng tôi ít nhất nên cố gắng”.

Nhiều quan chức cấp cao Mỹ khẳng định họ không phản đối việc làm của ông McCain. Họ nói cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đều nhắc lại sự quan tâm về tính công bằng và cởi mở của cuộc bầu cử tháng 11 với những người đồng cấp Ai Cập.

Nhiều tuần sau đó, bà Clinton có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Aboul Gheit tại Washington và không đề cập đến tính cần thiết của minh bạch bầu cử trong phát biểu công khai của họ. Thay vào đó, bà tán dương Cairo như “nền tảng” của ổn định Trung Đông.

Trong cuộc bầu cử Thượng viện cuối năm 2010, đảng của ông Mubarak giành 93% số ghế.

Thực tế khiến chính quyền của ông Obama phải đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với ông Mubarak và một số lãnh đạo khác trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du các nước vùng Vịnh đầu tháng 1, đã mô phỏng tuyên bố thời Bush khi nói với các lãnh đạo Ảrập tại Qatar rằng, quốc gia của họ có nguy cơ “chìm vào trong cát” nếu họ không thay đổi.

Nhưng sự thay đổi đã diễn ra. Ngày 30/1, sau khi các cuộc biểu tình bùng phát ở đường phố Ai Cập, Chủ tịch Ủy  an Đối ngoại Thượng viện John Kerry gọi cho phó Tổng thống Mỹ Joe Biden để nói rằng, ông có bài viết đăng trên Thời báo New York thúc giục ông Mubarak từ chức. Ông Biden thể hiện sự khích lệ, ông Kerry nói trong một cuộc phỏng vấn. Chỉ vài ngày sau đó, Washington chọn một đặc phái viên, cựu đại sứ Frank Wisner, để đưa ra thông điệp “lạnh nhạt” hơn với Tổng thống Ai Cập. Và cuối cùng, Tổng thống Obama đã kêu gọi sự ra đi của Mubarak.

  • Thái An (Theo Wall Street Journal)