Trong những năm 1970, là nước sản xuất lớn nhất và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, Liên Xô được lợi rất lớn từ nguồn thu do xuất khẩu dầu lửa đem lại. Đây cũng là một trong những nguồn lực chính giúp Liên Xô nâng cao phúc lợi của người dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, mở rộng ảnh hưởng quốc tế.

Năm 1975, Liên Xô sản xuất được 490 triệu tấn dầu thô và vượt qua Mỹ, một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới thời đó. Cứ mỗi lần nâng giá lên 1 USD/thùng thì ngân khố quốc gia Liên Xô có thêm 1 tỷ USD.

Mỹ không thể chấp nhận đối thủ của mình giàu có nhờ dầu mỏ. Nhưng Mỹ cũng đã nhận cú “đòn đau” vì thứ “vàng đen” này. Đó là vào năm 1973, các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định ngừng xuất khẩu nhiên liệu sang Mỹ, Nhật và Tây Âu, nhằm trừng phạt cho sự ủng hộ của nhóm này đối với Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ảrập, dẫn đầu bởi Ai Cập - Syria.

{keywords}
Mỹ thao túng giá dầu để gây khó khăn cho Liên Xô

Lượng dầu bị cắt giảm tương đương 7% sản lượng thế giới thời kỳ đó. Sự kiện này đã khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 trên quy mô toàn cầu, trong đó Mỹ bị thiệt hại nặng.

Tháng 10/1973, giá dầu từ 3,01USD nhảy lên 5,11USD một thùng, và tăng đến gần 12USD vào giữa 1974, trong khi Mỹ lại không thể có được dầu mỏ từ “túi dầu thế giới” OPEC.

Năm 1973, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã phải cử Ngoại trưởng Henry Kissinger sang Ảrập Xêút để thương lượng, đảm bảo việc tồi tệ này “không bao giờ tái diễn” với Mỹ. Bởi Ảrập Xêút lúc đó chiếm 40% tổng sản lượng dầu lửa của OPEC, thực tế là nước định đoạt giá dầu mỏ. Đến năm 1976, hai nước đạt thỏa thuận.

Theo cuốn “The Colder War” của tác giả Marin Katusa, Ảrập Xêút đã đồng ý cung cấp cho Mỹ đủ lượng dầu theo yêu cầu, và tăng giảm sản xuất theo lợi ích của Mỹ. Đồng thời, họ cũng sẽ tái đầu tư lợi nhuận vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ bảo vệ Ảrập Xêút khỏi các đối thủ Ảrập khác, bảo vệ các giếng dầu của nước này, và bảo vệ họ khỏi sự xâm lược của Israel.

{keywords}
Mỹ cũng là một quốc gia “khát” dầu mỏ

Vào tháng 4/1981, Giám đốc CIA là William Joseph Casey lại được phái đến thăm Ảrập Xêút. Đến khoảng giữa thập niên 1980, Mỹ đã tập trung đánh vào việc xuất khẩu dầu mỏ của Liên bang Xô viết. Đầu tiên, Mỹ phá giá đồng USD tới gần 30% khiến doanh thu thực tế từ xuất khẩu dầu mỏ của Liên Xô sụt giảm trầm trọng.

Từ thời gian đó, Liên Xô nhận được từ xuất khẩu dầu mỏ bằng USD đã giảm giá tới 1/4 và vẫn nhập khẩu hàng tiêu dùng và trang thiết bị từ châu Âu bằng các đồng tiền đang lên giá của các nước này. Mùa hè năm 1986, Liên Xô đã phải tăng lượng xuất khẩu dầu mỏ lên 5 lần, nhưng cũng chỉ mua được một khối lượng trang thiết bị của Tây Đức như cách đó một năm trước.

Kết quả là, bắt đầu từ năm 1985, thâm hụt ngân sách của Liên Xô ngày càng lớn (từ 18 tỷ rúp năm 1985 lên đến 76 tỷ rúp năm 1990).

Đồng thời, Mỹ bắt tay với Ảrập Xêút tăng lượng khai thác lên gấp 5 lần, từ 2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng, “cung vượt cầu” đã khiến giá dầu thế giới giảm tới gần 55%, từ xấp xỉ 30 USD/thùng, xuống còn hơn 10 USD/thùng, khiến ngân sách Liên Xô thất thu trầm trọng.

Theo các nghiên cứu, “cú sốc” giá dầu do việc đi đêm của Mỹ và Ảrập Xêút khiến Liên Xô thiệt hại 20 tỷ USD/năm. Đó là một trong những lý do đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đứng đầu khối xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng.

Nguyễn Văn Toàn