Theo Reuters, việc ký kết thỏa thuận quốc phòng song phương diễn ra hôm nay (22/5), khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea để dự hội nghị thượng đỉnh của các quốc đảo Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Papua New Guinea Win Bakri Daki bắt tay sau khi ký thỏa thuận quốc phòng song phương ngày 22/5. Ảnh: The Guardian 

Tại lễ ký kết thỏa thuận, ông Blinken tuyên bố, Mỹ sẽ tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, hai quan chức đã thảo luận về việc phát triển kinh tế, khủng hoảng khí hậu và tầm quan trọng của việc Washington tiếp tục gắn kết với khu vực Thái Bình Dương.

"Hợp tác quốc phòng do Mỹ và Papua New Guinea soạn thảo với tư cách các đối tác bình đẳng và có chủ quyền", ông Blinken nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ lưu ý, thỏa thuận “hoàn toàn minh bạch”, sẽ mở rộng khả năng phòng thủ của Papua New Guinea, đồng thời tạo điều kiện cho binh sĩ 2 nước dễ dàng huấn luyện cùng nhau. Thỏa thuận cũng sẽ cho phép Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự tại đây trong thập kỷ tiếp theo. 

Ngoài ra, hai nước còn ký một thỏa thuận riêng rẽ về tăng cường giám sát hàng hải đối với vùng đặc quyền kinh tế của Papua New Guinea thông qua các cuộc tuần tra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ, nhằm bảo vệ nền kinh tế của quốc đảo Thái Bình Dương khỏi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington sẽ cung cấp các nguồn quỹ mới, trị giá 45 triệu USD để tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với Papua New Guinea, bao gồm cả cung cấp trang thiết bị cho lực lượng phòng vệ đối tác, giảm thiểu biến đổi khí hậu, giải quyết tội phạm xuyên quốc gia và HIV/AIDS. Ông Blinken dự báo, các quan hệ đối tác với doanh nghiệp cũng sẽ mang lại những khoản đầu tư mới trị giá hàng chục tỷ USD cho Papua New Guinea.

Phát biểu sau buổi lễ, Thủ tướng Papua New Guinea James Marape lạc quan thỏa thuận mới sẽ thúc đẩy an ninh kinh tế bằng cách trao cho các lực lượng phòng vệ của đất nước ông "khả năng biết những gì đang xảy ra trong vùng biển của mình, điều Papua New Guinea chưa từng có được kể từ năm 1975". 

Một số trường đại học ở Papua New Guinea đã tổ chức biểu tình phản đối việc ký kết các thỏa thuận trên. Các chính trị gia đối lập ở nước này bày tỏ lo ngại động thái sẽ làm buồn lòng Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Marape quả quyết, việc đó sẽ không ngăn Papua New Guinea hợp tác với Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng. Ông lưu ý, thỏa thuận quốc phòng với Mỹ chỉ là phần mở rộng của một thỏa thuận hiện có.

Phản ứng trước diễn biến mới, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh không phản đối các trao đổi bình thường và quan hệ hợp tác bình đẳng, mang lại lợi ích lẫn nhau giữa các quốc đảo Thái Bình Dương như Papua New Guinea và những bên liên quan. Song, phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giáo Trung Quốc cảnh báo, các nước cần tránh bị lôi kéo vào “các trò chơi địa chính trị dưới danh nghĩa hợp tác” và “mọi sự hợp tác không nên nhằm vào bất kỳ bên thứ 3 nào”.