Hôm qua Mỹ yêu cầu Nhật Bản và Trung Quốc 'bình tĩnh' sau khi Bắc Kinh điều tàu hải giám tới quần đảo tranh chấp giữa hai bên ở biển Hoa Đông nhằm đáp trả việc Tokyo mua đảo.


Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
"Chúng tôi nghĩ rằng trong môi trường hiện tại, chúng tôi muốn những cái đầu lạnh" - Kurt Campbell, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu và Quốc tế chiến lược - một nhóm cố vấn của Mỹ.

Ông Campbell đã nhắc lại phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chặng cuối chuyến công du ở châu Á vừa qua. Ông nói rằng việc bình tĩnh vào lúc này rất quan trọng vì khu vực này đóng vai trò là một "buồng lái của nền kinh tế toàn cầu".

"Chúng tôi tin rằng đối thoại một cách hòa bình và duy trì hòa bình và an ninh luôn có tầm quan trọng tột cùng nhưng giờ đây lại bị đặt trong một bối cảnh như vậy" - ông Campbell nói.

Cũng cùng mạch trong tuyên bố của Mỹ, ông Campbell nói rằng Washington không muốn đứng về quan điểm của bên nào trong rất nhiều tranh cãi nảy lửa hiện nay về biển đảo ở châu Á.

Lời kêu gọi này của Mỹ đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa điều tàu hải giám tới quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku.

Phản ứng này của Bắc Kinh nhằm đáp lại việc Chính phủ Nhật dự định mua lại ba trong số năm hòn đảo thuộc quần đảo này.

Tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản sáng qua, ông Noda đã có bài phát biểu với khoảng 180 chỉ huy cấp cao của Lực lượng phòng vệ Nhật - JSDF. Trong đó, ông kêu gọi lực lượng của Nhật phòng bị cho những tình huống khẩn cấp. Ông cho rằng tình trạng bất ổn đối với môi trường an ninh quanh Nhật Bản đã tăng lên mức độ cao nhất khi mà các hoạt động quân sự của các quốc gia láng giềng, bao gồm cả Triều Tiên, Trung Quốc, Nga trở nên sôi động hơn.

Do đó, Thủ tướng Nhật cho rằng JSDF cần phải giám sát và phân tích các quốc gia trên một cách chặt chẽ. Ông Noda đặc biệt lưu ý việc Trung Quốc đã tăng cường hoạt động ở các vùng biển quanh Nhật Bản.

Không chỉ riêng tranh cãi giữa Nhật và Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng "Mỹ và phần còn lại của thế giới không hề mong muốn tình trạng nghi hoặc mơ hồ về ổn định và an ninh trong khu vực này".

  • Lê Thu (theo CNA)