Nà Khương là xã vùng III và là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; nằm cách trung tâm huyện 31 km về phía Tây Nam.
Toàn xã có 9 thôn với 574 hộ, 3.069 khẩu; chủ yếu là đồng bào dân tộc: Mông, La Chí, Dao, Tày... Do địa hình chia cắt mạnh, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ quét; nhận thức của người dân còn hạn chế, một bộ phận còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa cố gắng vươn lên thoát nghèo; cuộc sống phần lớn bà con nơi đây chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Chính quyền xã Nà Khương đã tập trung các nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân. |
Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Nà Khương bộc bạch, với những khó khăn đặc thù đó, những năm qua, xã luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ đặc biệt của Đảng và Nhà nước cũng như của tỉnh, huyện hỗ trợ, đầu tư triển khai các dự án phát triển KT – XH, quy tụ dân cư, Chương trình 135, Chương trình 30a, CPRP… Xã đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời chú trọng phát triển cây nông nghiệp ngắn ngày và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được đầu tư và quỹ đất đai hiện có; đặc biệt là tạo điều kiện cho các hộ khó khăn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, hướng đến giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo thống kê, toàn xã có trên 2 nghìn ha đất sản xuất; trong đó, diện tích lúa, ngô, lạc, đậu tương là hơn 600 ha. Xã đã chú trọng đưa các giống có năng suất, sản lượng cao vào sản xuất cùng đó là nhân rộng những mô hình thâm canh, tăng vụ. Ngoài đẩy mạnh trồng các cây chủ lực, xã vận động người dân trồng được hơn 51 ha cỏ cho chăn nuôi đại gia súc; 28 ha cây chè; hơn 30 ha dong riềng, 10 ha nghệ; 11 ha cây ăn quả cam, quýt và một số cây lâm nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như quế, bồ đề,... Toàn xã hiện có hơn 1.411 con trâu, bò; 1.415 con lợn, 860 con dê và trên 10,4 nghìn con gia cầm. Nay bà con đã biết cách phòng, chống rét, dịch bệnh, xây dựng chuồng trại sạch sẽ và chủ động thức ăn trong mùa Đông cho gia súc…
Nhờ đó, hạ tầng cơ sở nông thôn cùng những chuyển biến mạnh mẽ về cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây... Con đường liên xã giờ đã được trải nhựa, những con đường liên thôn đã, được bê tông hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa. Hệ thống trường, lớp học được xây dựng khang trang, thu hút học sinh đến trường đầy đủ, hạn chế được tình trang học sinh bỏ học theo phụ huynh lên nương rẫy.
Tại trung tâm xã, không chỉ có các dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa mà còn có cả các hiệu thuốc, cây xăng, dầu; cơ sở sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp… Không chỉ ở trung tâm xã mà các thôn xa như: Tùng Cụm, Làng Ái, Làng Béng... cũng được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, điện, thủy lợi, kênh mương nội đồng dẫn nước tưới tiêu đến tận đồng ruộng; cùng đó là hỗ trợ giống lúa mới cho năng suất cao cùng phân bón giúp các hộ dân yên tâm phát triển kinh tế, XĐGN. Nhiều hộ ở đây không chỉ xóa được nghèo mà còn vươn lên làm giàu tại quê hương. Ngoài ra, xã còn có 11 nhóm hộ cùng sở thích chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa và có hơn 30 hộ thực hiện mô hình trồng cây lá đắng đã mang lại nguồn thu nhập cao...
Không thể phủ nhận, nhờ triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả; công tác giảm nghèo của xã đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 54,64%, giảm 17,63% so với năm ngoái; bình quân lương thực đạt hơn 627kg/người/năm; thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm… Ðời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản…
Quyết Thắng
Ảnh: Tuyết Nhung