Cháy nhà máy bóng đèn, thủy ngân phát tán

Kho chứa hàng triệu bóng đèn của nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (công ty Rạng Đông) bùng cháy vào đêm 28/8. Nó không phải là một vụ cháy thông thường, vì theo đó là lượng thủy ngân lớn được “phóng thích”. 

{keywords}
Vụ cháy Nhà máy Rạng Đông khiến người dân lo ngại nhiễm độc thủy ngân

UBND phường Hạ Đình là đơn vị “nhạy cảm” nhất khi phát ra cảnh báo người dân về nguy cơ rủi ro ngộ độc thủy ngân.

Ngay sau đó, Bộ TN&MT cùng các đơn vị chuyên môn vào cuộc và đưa ra các số liệu: Khối lượng thủy ngân phát tán ra môi trường có thể lên tới 27,2 kg, nồng độ thủy ngân vượt ngưỡng an toàn 10 - 30 lần.

Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành tẩy độc khu vực. Trong thời điểm đó, nhiều gia đình đã sơ tán sang khu vực khác cho đến khi Bộ TN&MT phát thông báo môi trường xung quanh nhà máy đã an toàn mới dám trở về nhà.

Nỗi lo “sợ nhiễm độc thủy ngân” sau đó tự lắng và ký ức đáng sợ về thảm họa trên cuối cùng cũng tiêu tan đi như một đám mây, bởi thói quen mau quên của người Việt.

Đám cháy đưa đến quyết định nhanh chóng về việc di dời nhà máy Rạng Đông sang vị trí mới - điều mà công ty này nhiều năm trước đó đề xuất nhưng chưa được đáp ứng để lấy "đất vàng" Thanh Xuân xây chung cư.

Thùng phuy dầu thải đầu nguồn - triệu người cuối nguồn điêu đứng

Đầu tháng 10/2019, các bà nội trợ là người đầu tiên phát hiện ra nước sạch sinh hoạt dẫn vào các vòi rửa có mùi “như mùi nhựa cháy”.

{keywords}
Cho đến bây giờ người ta vẫn chưa hiểu vì sao thủ phạm lại đi lòng vòng và đem đổ phuy dầu thải ở đầu nguồn...

Sự cố hy hữu đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân Thủ đô trong nhiều ngày.

Sau đó, người dân biết được sự cố xảy ra vào ngày 8/10 ở đầu nguồn: Ba thùng phuy dầu thải bị xả trộm tại xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình); gặp đúng hôm trời mưa đã dẫn xuống hồ chứa đầu vào của nhà máy nước sạch sông Đà.

Ngày 15/10, người dân Hà Nội được khuyến cáo không dùng nước máy sông Đà nhiễm dầu thải để nấu ăn do hàm lượng styrene vượt quá quy chuẩn.

Một cuộc khủng hoảng vì mất nước khiến cuộc sống đảo lộn. Hà Nội phải cấp nước tạm thời bằng các xe téc tại các điểm tập trung dân cư. Tuy nhiên, tiếp tục “có sạn” khi một số xe cấp nước bị phản ánh chứa nước chưa sạch.

Vụ đầu độc nguồn nước sạch sông Đà được cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án.

Trong thời gian ngắn, thủ phạm đã được tìm thấy. Câu chuyện vì sao 3 kẻ tội đồ này mất tiền đi mua dầu thải về tái chế nhưng lại “đánh võng” lòng vòng từ Phú Thọ về Hưng Yên, sau đó lọ mọ đêm hôm đem đổ trộm tận Kỳ Sơn đến giờ vẫn chưa được lý giải.

{keywords}
 

Thời điểm đó, Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà Nguyễn Văn Tốn có phát ngôn gây sốc: “Tại sao công ty không báo cáo cơ quan chức năng Hà Nội? Thực sự báo cáo thì báo cáo cái gì, vì chất lượng nước vẫn đảm bảo. Nếu dừng cấp nước thì tôi quá an toàn”. Gần 1 tháng sau, công ty này có quyết định miễn nhiệm ông Tốn.

Bù đắp lại cuộc khủng hoảng vì mất nước, phải dùng nước nhiễm dầu thải trong thời gian đầu, hàng triệu khách hàng được miễn tiền nước sinh hoạt của tháng 10 - tháng xảy ra sự cố.

Nhiều khu chung cư, khu đông dân cư cũng nhân sự kiện này mà các bể chứa nước sinh hoạt có cơ hội được súc, rửa.

Ô nhiễm không khí ở ngưỡng nguy hại

Hà Nội và TP. HCM là 2 địa phương đứng đầu trong bảng đánh giá chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng qua các năm. Có những thời điểm, chỉ số AQI liên tục được cảnh báo ở mức nguy hại.

Bộ TN&MT, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời, có vật bảo hộ khi ra đường, đóng kín cửa nhà; người già, trẻ em, phụ nữ mang thai hạn chế ra đường.

{keywords}
Ô nhiễm không khí và cảnh báo người dân không nên ra khỏi nhà của cơ quan hữu quan

Bộ TN&MT ra văn bản khẩn mời các bộ ngành họp bàn để tìm giải pháp. Nguyên nhân được xác định do chất thải bị phát tán từ hoạt động xây dựng, giao thông, người dân đốt rơm rạ và thậm chí có cả nguyên nhân đun bếp than tổ ong…

Các giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí được Bộ TN&MT đưa ra gồm: Lắp thêm các thiết bị quan trắc không khí để… cảnh báo; tuyên truyền người dân hạn chế đun bếp than tổ ong và đốt rơm rạ; phun rửa đường… và hoàn thiện hệ thống chính sách!

Điều thiết thực nhất mà người dân có thể tự chăm sóc bản thân mình, đó là “hạn chế ra đường” như khuyến cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Bộ Y tế.

Cháy rừng ở miền Trung

Tháng 6/2019, 45 vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực miền Trung thiêu rụi 293ha rừng. Hàng ngàn người được huy động tham gia dập lửa, ngăn chặn đám cháy không lan rộng. Tuy nhiên, các đám cháy được khống chế khi nó đã cháy hết, không còn gì để cháy.

{keywords}
Hàng trăm ha rừng miền Trung bị thiêu rụi vì người dân... đốt rác

Tổng cục Lâm nghiệp thống kê, có 156  vụ cháy rừng xảy ra trong vòng 6 tháng đầu năm 2019, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2018, diện tích rừng bị cháy là 930 ha, tăng 705 ha.

Nguyên nhân hi hữu của vụ cháy rừng miền Trung được xác định do một nông dân Hà Tĩnh đốt cỏ làm cháy lan cả 7 ha rừng vào ngày 27/6. Ngày hôm sau, 28/6, một người dân khác đốt rác trong vườn nhà làm thiêu rụi luôn cả 50 ha rừng thông phòng hộ tại Hà Tĩnh.

Năm 2019 là năm người dân chứng kiến những thảm họa tệ hại về nước, lửa và không khí. Trong đó, phần lớn nguyên nhân là do con người: Đổ trộm dầu thải, đốt rác, đốt cỏ làm nương.

Bộ TN&MT mời các bộ ngành họp khẩn về ô nhiễm không khí

Bộ TN&MT mời các bộ ngành họp khẩn về ô nhiễm không khí

 Bộ TN&MT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành mời họp tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM.

Kiên Trung