Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu ở mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đối với tỉnh Nam Định, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, được xác định là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh đến giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tạo bước đột phá trong quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), thời gian qua tỉnh Nam Định đã xây dựng và phát triển được 35 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm có đăng ký mã số, mã vạch; 130 doanh nghiệp ứng dụng tem có mã QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 dòng sản phẩm. 

Đặc biệt, tỉnh Nam Định hiện có 146 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao là những sản phẩm có thế mạnh như: lúa gạo, thủy sản, rau, củ, quả… Một số chuỗi có sự liên kết chặt chẽ, xây dựng nên những thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: Gạo sạch Toản Xuân, Ngao sạch Lenger, Muối sạch Nam Định. 

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã xây dựng và phát triển được 35 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các địa phương đã xây dựng được 485 mô hình cánh đồng lớn, 100 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản áp dụng quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; 27 nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản và muối áp dụng tiêu chuẩn HACCP; trên 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản được thẩm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nam Định có 2 vùng nuôi ngao đủ điều kiện cung cấp cho chế biến xuất khẩu, trong đó vùng nuôi ngao rộng 500ha tại huyện Nghĩa Hưng được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC. T

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh, phối hợp tổ chức hội chợ kết nối nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện điều kiện sản xuất và hồ sơ tham gia xuất khẩu vào Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các chuỗi liên kết thị trường bị đứt gãy và phương thức tiêu thụ truyền thống bộc lộ nhiều bất cập đã khiến một số kênh tiêu thụ nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn. 

Nhằm tăng cường hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Chi nhánh Viettel Nam Định thiết lập kênh tiêu thụ nông sản thông qua Sàn thương mại điện tử voso.vn. 

Hoạt động này giúp tạo thêm kênh thông tin nhanh, đầy đủ với chi phí thông tin, quảng bá sản phẩm thấp, các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể có thể dễ dàng tham gia liên kết với người tiêu dùng. Các sản phẩm đưa lên sàn thương mại giúp cho việc quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. 

Với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, đơn vị chức năng, bước đầu đã có 40 sản phẩm: lúa gạo, muối, thịt và rau, củ, quả của tỉnh được đưa lên 5 gian hàng trên Sàn thương mại điện tử voso.vn. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có trên 100 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử này. 

Trong thời gian tới, để lĩnh vực nông nghiệp bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ, trong thời kỳ hội nhập, họ là người nông dân thời đại 4.0 dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. 

Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số phù hợp thực tiễn sản xuất nông nghiệp, có tính thực tiễn cao nhằm huy động nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh.

An Nhiên