Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 (Nghị quyết số 36) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Nam Định xác định khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, từ đó tập trung xây dựng vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, an ninh biên giới quốc gia.

Với lợi thế là tỉnh có 72km đường bờ biển, gồm 3 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu với 19 xã, thị trấn giáp biển, khu vực ven biển của tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển, nhất là lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. 

Vì thế, tỉnh Nam Định định hướng, khu vực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản sẽ khai thác tối đa 72km bờ biển và 4 cửa sông lớn ra biển, gồm: Cửa Ba Lạt, cửa Hà Lạn, cửa Lạch Giang và cửa Đáy. Theo đó tỉnh xác định phân vùng cho nuôi trồng thủy sản ở tất cả các xã thuộc vùng bờ của ba huyện có biển; phân vùng khai thác và đánh bắt hải sản ở tất cả các xã thuộc vùng bờ của ba huyện có biển, ngoại trừ khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy; xây dựng cảng thủy sản tại khu vực Thịnh Long; nâng công suất khu vực cảng cá Ninh Cơ.

W-nam-dinh-1.jpg
Để đẩy mạnh phát triển nghề đánh bắt xa bờ, tỉnh Nam Định đã khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con ngư dân chuyển đổi, cải hoán phương tiện công suất lớn hơn vươn khơi khai thác, mang lại nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. 

Những năm qua, tỉnh Nam Định đã khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con ngư dân chuyển đổi, cải hoán phương tiện công suất lớn hơn vươn khơi khai thác, mang lại nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. Bên cạnh đó, Nam Định cũng tổ chức quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản lớn theo hướng tập trung.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ sản của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể.

Đối với ngành khai thác thủy sản, đến nay được định hướng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác, phòng chống, ngăn chặn khai thác IUU.

Cụ thể, số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản của tỉnh thời gian gần đây đã phát triển theo hướng tăng nhanh về công suất máy, đặc biệt là nhóm tàu khai thác hải sản xa bờ. Toàn tỉnh hiện có 1.776 tàu cá với tổng công suất là gần 293 nghìn CV.

Từ năm 2022 đến nay, các tàu cá có công suất lớn đã mạnh dạn vươn khơi bám biển, vì thế hoạt động khai thác thuỷ sản tiếp tục tăng cả về sản lượng và giá trị.

Năm 2022, sản lượng khai thác thuỷ sản của tỉnh đạt 58.541 tấn, tăng 1,91% so với năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác thuỷ sản của tỉnh ước đạt 31.866 tấn, bằng 51,4% kế hoạch năm. Đặc biệt, nghề này đã tạo việc làm cho trên 5.300 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động khác làm nghề chế biến, kinh doanh hải sản và kinh doanh dịch vụ liên quan, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, kết hợp kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 

Nam Định có bờ biển dài, thời gian qua, việc nuôi trồng thủy sản được tỉnh khuyến khích, hỗ trợ để thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn thâm canh, bán thâm canh, đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, có giá trị kinh tế cao có khả năng xuất khẩu.

Nhờ đó, hiện nay ở Nam Định đã hình thành các vùng nuôi thâm canh tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển, như vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở các xã Bạch Long, Giao Phong (huyện Giao Thuỷ) và các xã Hải Hoà, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính (huyện Hải Hậu); vùng nuôi tôm sú, vùng nuôi cá bống bớp, cá vược ở 2 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu; ngoài ra còn có các mô hình như nuôi cá song, cá bống, nuôi sò huyết, nuôi ngao…. tất cả được áp dụng các công nghệ nuôi sạch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2010, toàn tỉnh có 40 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích 1.957 ha và 588 trang trại nuôi trồng thủy sản. Đến nay, vùng nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh được phát triển mạnh với diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 16.000 ha. Nhờ đó, ước tính mỗi năm, Nam Định cung cấp cho thị trường trên 53.000 tấn ngao, tôm, cua biển, cá các loại và một số thuỷ đặc sản giá trị kinh tế cao.

Một trong những nghề nuôi trồng thuỷ sản có tiếng ở Nam Định đó là nuôi ngao. Năm 1992, nghề nuôi ngao ở Nam Định bắt đầu hình thành tự phát bằng giống bản địa. Đến năm 2004 đã có bước phát triển mới. Tuy nhiên, nghề nuôi ngao ở Nam Định thực sự phát triển mạnh từ năm 2010 và đến nay nuôi ngao đã trở thành nghề chủ lực của tỉnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Hiện, tổng diện tích nuôi ngao của Nam Định đạt khoảng 2.300 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường hơn 45.000 tấn/năm.

Trong số 3 huyện ven biển của tỉnh Nam Định thì Giao Thủy được coi là một trong những huyện trọng điểm về nuôi thủy sản của tỉnh. Nơi đây từ lâu cũng được biết đến là một trong những “vựa ngao” lớn của cả nước. 

Với diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên 5.152 ha, hiện nay, toàn huyện có hơn 1.000 cơ sở nuôi trồng, trong đó có gần 100 trang trại và cơ sở sản xuất ngao giống cùng nhiều loại giống thủy sản khác, vừa đáp ứng nhu cầu trong huyện và vừa cung cấp giống cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

Năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của Giao Thuỷ đạt 45.720 tấn; giá trị ước đạt 1.800 tỷ đồng; đến năm 2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 51.889 tấn.

Ngoài nuôi ngao, hiện nay, huyện Giao Thủy cũng phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Hiện toàn huyện có khoảng 60 cơ sở nuôi tôm công nghệ cao với diện tích gần 50 ha, tập trung ở các xã: Giao Phong, Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Quất Lâm. Theo đó, sản lượng trung bình của một ha nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 40 đến 50 tấn, cho doanh thu khoảng từ 15 đến 20 tỷ đồng/vụ, đem lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao truyền thống.

Tại Giao Thuỷ còn có rất nhiều mô hình sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung mang lại thu nhập cao, như: Mô hình sản xuất ngao giống, xen canh tôm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm và sản xuất các con giống; mô hình nuôi cá nước ngọt; mô hình nuôi ngao thương phẩm sạch….

Nhờ sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt và từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng và giá trị sản xuất ngành thủy sản của 3 huyện ven biển của tỉnh Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ trong những năm qua không ngừng tăng lên.

Cùng với 2 huyện Giao Thuỷ và Hải Hậu thì hiện nay, huyện Nghĩa Hưng cũng đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt lớn và chuyên canh tại các khu vực đất bãi ven sông Đáy và một số địa phương như Nam Điền, Nghĩa Thắng, Nghĩa Bình, Rạng Đông, Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hùng. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 1.845ha; sản lượng thu được khoảng 20 nghìn tấn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã xây dựng, thực hiện các giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế biển. Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội với mức đóng góp hàng năm trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Với tầm nhìn, định hướng mới, tỉnh phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững.

Hồng Khanh và nhóm PV, BTV